Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

BẢN TUYÊN CÁO TRONG VỤ ÁN XUYÊN THẾ KỶ: AI ĐÃ GIẾT PHẬT GIÁO?

BẢN TUYÊN CÁO TRONG VỤ ÁN XUYÊN THẾ KỶ
Ai đã giết Phật giáo?

Thiên Ch Cula-Anāthapiṇḍika


Lời Phật dạy
- “Khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu pháp biến mất” (S.ii,223).
"Lành thay, lành thay, này Gia chủ. Như vậy, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh Pháp… Tỷ-kheo nào dầu đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh Pháp, như Gia chủ Anāthapiṇḍika đã khéo bác bỏ” (AN X:93)

I. Kế sách gián điệp
Như trong tạng Kinh Nikāya và Luật Pātimokkha còn ghi lại, đương thời Đức Phật đã có biết bao những luận sư, du sĩ ngoại đạo hèn hạ và nham hiểm. Chúng luôn bò theo dấu chân của Đức Phật để tìm mọi cách, mọi cơ hội nhằm xuyên tạc, vu khống, bôi đen giáo pháp của Ngài.
Nhưng tất cả đều đã bị Đức Phật bẻ gãy và vạch rõ chỗ ngụy trá xảo quyệt của bọn chúng. Rất nhiều chứng cứ trong Kinh - Luật gốc cho thấy đã có rất nhiều những âm mưu phá hoại Đạo Phật từ bên trong lẫn bên ngoài là một thực tế.
Mặt khác, đúng như một trưởng lão am tường Phật Pháp đã nhận xét “Pháp của Như Lai không ai phá nổi, chỉ có đệ tử của Như Lai phá nó mà thôi”.
Có 3 loại sát tử trong Đạo Phật:
1. Loại sát-tử-thừa-tự-tài-vật: Họ là những đệ tử giả danh mượn áo thầy tu, không thừa tự Pháp mà chỉ nương náu trong Phật giáo hòng kiếm miếng cơm, manh áo, tài vật, lợi dưỡng. Những tệ tử giả danh này đã “giết” Phật giáo bằng chính mục đích ươn hèn và nếp sống ký sinh buông thả của họ. Loại sát tử này dễ dàng bị nhận diện nên vẫn chưa nguy hiểm bằng loại sát tử thứ hai.
2. Loại sát-tử-tục-tử-sa-môn: Họ là những tu sĩ biết dùng trí tuệ và miệng lưỡi để khéo che đậy cho dục vọng danh lợi của họ. Các tục tử này đánh lừa được nhiều người, và đã “giết” Phật giáo bằng chính thứ tà tuệ và miệng lưỡi uốn cong theo chiều danh lợi. Loại sát tử này đã nguy hiểm nhưng vẫn chưa nguy hiểm bằng loại sát tử thứ ba.
3. Loại sát-tử-gián-điệp: Các sa môn này vốn là những kẻ ngoại đạo nhưng lại mang trong mình sự truyền thừa ích kỷ thù ghét Đạo Phật. Họ sẵn sàng tự biến mình thành những tu sĩ Phật giáo để dễ bề thực hiện âm mưu phá hoại Đạo Phật ngay từ bên trong. Do đó sự phá hoại này là tận cùng, triệt để và hết sức nguy hiểm.
Như mọi người đều biết, qua lịch sử các cuộc chiến tranh, kể cả những cuộc chiến tranh ý thức hệ tôn giáo, một khi tương quan lực lượng trở nên không cân sức: một bên quá mạnh, quá kiên cố; tất sẽ bị phe đối phương, do không thể đối đầu trực tiếp, sẽ thực hiện sự phá hoại bằng cách quay sang dùng kế sách phản gián điệp theo 3 giai đoạn: cài sâu - leo cao - tiêu diệt.
Trong văn học sử Việt Nam cũng có câu chuyện về vua An Dương Vương, vì quá cả tin vào tên gián điệp Trọng Thủy đóng vai con rể, nên đã bị tráo Nỏ Thần thật bằng nỏ thần giả nhưng vẫn không hay biết, để rồi dẫn đến cảnh mất nước nhà tan, diệt vong tàn bại. Bài học lịch sử qua hàng ngàn năm vẫn còn nguyên giá trị, đã cảnh báo rõ ràng hơn sự nguy hiểm của kế sách gián điệp.
Cũng biết rõ điều này nên những kẻ ngoại đạo như Đại Thiên (Mahadeva), Long Thọ (Nagarjuna), Thế Thân (Vasubandhu), Vô Trước (Asanga)... tất cả họ đều là những tu sĩ Bà-la-môn, do vẫn còn di truyền một ý thức tôn giáo hẹp hòi ích kỷ, cùng một mặc cảm hận thù giai cấp sâu sắc, nên bọn họ đã rắp tâm trả thù bằng cách tự biến mình thành các tu sĩ Phật giáo để dễ bề thực hiện âm mưu phá hoại Đạo Phật ngay từ bên trong.
Trong số đó Long Thọ nổi lên như một ngụy biện sư lươn lẹo hàng đầu. Long Thọ cùng các tông đồ của ông ta cũng thấy Phật Pháp như cả một bầu trời, để xoá xổ bầu trời đó việc đầu tiên là phải đưa mọi người vào trong một cái đáy giếng để mọi người không thể nhìn thấy được cả bầu trời mà chỉ hạn chế tầm nhìn con con trên thành miệng giếng.
Để thực hiện được mưu đồ này, Long Thọ chỉ việc tách bộ phận Pháp Năm Thủ Uẩn - Vô Thường, Khổ, Vô Ngã ra khỏi hệ thống quán Pháp của hệ thống Bốn Niệm Xứ; từ đó trí trá tập trung hý luận vào đây khiến mọi người không còn để ý đến hệ thống các pháp môn khác. 
Đồng thời Long Thọ ra sức xuyên tạc, bóp méo hệ thống Năm Thủ Uẩn - Vô Thường, Khổ, Vô Ngã; biến bộ phận pháp môn này trở thành một công cụ quay lại tiêu diệt chính Đạo Phật. 

Và đây cũng chính là thủ đoạn “dùng vũ khí người để giết người”.

II. Đáy giếng và tên gián điệp thứ nhất: Vô-ngã-tánh
Theo tạng Nguyên Thủy Nikāya cấp 1, bài Kinh Niệm Xứ (số 10, Trung Bộ 1) và Kinh Đại Niệm Xứ (số 22, Trường Bộ 2), Đức Phật dạy phải đưa hệ thống Năm Thủ Uẩn - Vô Thường, Khổ, Vô Ngã vào trong hệ thống quán Pháp của hệ thống Bốn Niệm Xứ, tức phải quán xét pháp môn này theo sáu cách khác nhau.
Sáu cách đó là: phải quán pháp Năm Thủ Uẩn trên nội pháp, trên ngoại pháp, trên nội ngoại pháp; đồng thời phải quán tánh sanh khởi, quán tánh diệt tận và quán tánh sanh diệt trên pháp Năm Thủ Uẩn. Trong đó quán Năm Thủ Uẩn trên ngoại pháp có nghĩa là phải quán năm uẩn của ta trong mối quan hệ với đối tượng bên ngoài. Mục đích của cách quán này là nhằm đoạn trừ dần ngã mạn kiết sử.
Chúng ta hãy theo dõi lại các bài kinh nói về Năm Thủ Uẩn và phải đặt chúng trong hệ thống quán pháp (năm uẩn) trên ngoại pháp (năm uẩn của đối tượng khác) của hệ thống Bốn Niệm Xứ, tức trong mối quan hệ giữa ta với đối tượng bên ngoài, mới có thể hiểu được Thánh Pháp này. Dưới đây là một đoạn kinh tiêu biểu rất thường gặp trong Thánh tạng Nguyên thủy Nikāya.
Đức Phật hỏi các Tỳ Kheo:
_ Này các Tỳ-Kheo, các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là thường hay vô thường?
Các Tỳ-Kheo trả lời:
_ Là vô thường, bạch Thế Tôn.
Đức Phật hỏi tiếp:
_ Cái gì là vô thường thời bản chất của chúng là khổ hay không khổ? 
Các Tỳ-Kheo trả lời:
_ Là khổ, bạch Thế Tôn.
Đức Phật dạy tiếp (phần trong ngoặc đơn do người viết thêm vào):
_ (Năm Uẩn là vô thường, là khổ, vậy có ngu si không khi các ông cứ chấp thủ vào chúng để so sánh hơn thua với người.) Và như vậy, đối với các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức các ông nên ngã (mạn) (asmimàno) hay nên vô ngã (mạn) với chúng?
Các Tỳ-Kheo trả lời:
_ Phải Vô ngã (mạn), bạch Thế Tôn.
Nói theo Kinh Niệm Xứ, đó là cách quán pháp Vô Thường, Khổ, Vô ngã mạn trên ngoại pháp Năm Thủ Uẩn nhằm khắc phục tham ưu do Ngã mạn Kiết Sử gây ra.
Thế nhưng, nếu không đặt pháp Năm Thủ Uẩn - Vô Thường, Khổ, Vô Ngã vào trong hệ thống quán Pháp trên ngoại pháp của hệ thống Bốn Niệm Xứ, tức trong mối quan hệ giữa ta với đối tượng bên ngoài, mà tách ra độc lập phân tích như các luận sư Bà-la-môn đã làm, đương nhiên khái niệm “Ngã” sẽ bị hiểu thành “Ngã tánh” tức cái ta, cái bản thể; và “Vô Ngã” đương nhiên sẽ bị hiểu thành “Vô ngã tánh”, tức không có cái Ta, không có cái bản thể, không có ngã tánh.
Như vậy với việc tách bộ phận pháp Năm Thủ Uẩn - Vô Thường, Khổ, Vô Ngã ra khỏi hệ thống quán Pháp của hệ thống Bốn Niệm Xứ, và hướng mọi luận giải tập trung vào đây, Long Thọ đã làm được một công hai việc:       
-- Thứ nhất: đưa mọi người vào trong một cái đáy giếng.
-- Thứ hai: cài tên gián điệp “Vô ngã tánh” vào trong Đạo Phật.

III. Tên gián điệp thứ hai: "Tánh Không"
Vừa để hợp lý hóa cho khái niệm “Vô ngã tánh”, vừa để thực hiện âm mưu lật đổ Chánh Pháp của Đức Phật sau này, Long Thọ tiếp tục tung vào Phật giáo tên gián điệp thứ hai với bí danh “Tánh Không”. Tên gián điệp “Tánh Không” của Long Thọ có một lý lịch giả mạo từ sự xuyên tạc khái niệm “Không Tánh” của Đức Phật.
Trong Kinh điển Nguyên Thủy Nikāya cấp 1, với bài Kinh Khất Thực Thanh Tịnh, số 151, Trung Bộ 3 (151, TB3) và bài Kinh Tiểu Không (Cùlasunnatasuttam, 121, TB3), Đức Phật đã dùng khái niệm Không Tánh để chỉ trạng thái tâm không còn tánh tham, không còn tánh sân, không còn tánh si, không còn năm dục trưởng dưỡng, năm triền cái, năm thủ uẩn; nói chung không còn những tánh ác bất thiện gây ra khổ đau.
Trạng thái này được ví như ngôi đền Lộc Mẫu không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, vàng, bạc, đàn bà, đàn ông; nhưng ở trạng thái này vẫn còn những niệm thiện (trong kinh văn ví như vị Tỳ-Kheo ở trong ngôi đền). Vị hành giả đạt được kết quả này là do nhờ tu tập Bốn Niệm Xứ viên mãn.
Với trạng thái tâm thanh tịnh không còn tham-sân-si và những pháp bất thiện, một vị Tỳ kheo cũng có thể nhập và an trú vào bốn trạng thái “Không” của thiền vô sắc của ngoại học (Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ) nhưng ở trình độ thắng tri các thiền định vô sắc này là định của tưởng, chứ không tưởng tri các thiền định vô sắc là các cấp độ giải thoát như các tu sĩ ngoại học (Xem Kinh Pháp Môn Căn Bản, 1, TB1).
Từ đây, Đức Phật đã dùng khái niệm “Tiểu Không” để chỉ các trạng thái “vô niệm” ức chế thuộc định tưởng của bốn thiền vô sắc nhằm phân biệt với khái niệm “Đại Không” thuần tuý của Đạo Phật chính thống (xem Kinh Đại Không - Mahàsunnatasuttam, 122, TB3). “Đại Không” chính là trạng thái tâm hoàn toàn không còn bị trói cột bởi các kiết sử và ngăn che bởi năm triền cái cùng với sự chánh niệm tỉnh giác cao độ.
Cụ thể hơn nữa, trong phạm trù của “Đại Không”, Đức Phật đã dùng khái niệm “Nội Không” để chỉ giai đoạn tâm không còn bị trói cột bởi năm hạ phần kiết sử. Khái niệm “Ngoại Không” dùng để chỉ giai đoạn tâm không còn bị trói cột bởi năm thượng phần kiết sử. Khái niệm “Nội Ngoại Không” dùng để chỉ giai đoạn tâm không còn bị các kiết sử trói cột và năm triền cái ngăn che (kết quả này là do nhờ tu tập Bảy Giác Chi viên mãn).
Để gọi chung các trạng thái Không Tánh, Tiểu Không, Đại Không, Nội Không, Ngoại Không, Nội Ngoại Không; Đức Phật đã dùng khái niệm Không Định nhằm để phân biệt với trạng thái Hư Không Vô Biên Xứ Định ở mức độ thuần túy tưởng tri của ngoại đạo (1).
Ngoài tám khái niệm có ý nghĩa trực tiếp thuộc “Không” (tánh) này ra, trong kinh điển Nikāya cấp 1, Đức Phật không còn dùng một khái niệm “Không” nào khác (Các khái niệm như Vô nguyện định, Vô tướng tâm định… thuộc ý nghĩa khác).
Thế nhưng, qua bàn tay tráo trở như của một kẻ chuyên chơi cờ gian bạc lận, Long Thọ đã trổ ngón nghề tráo đổi con chữ, lập lờ đánh lận con đen. Từ khái niệm Không Tánh (Sunnatam) của Đức Phật nó đã trở thành Tánh Không và đã được Long Thọ cài vào trong hệ thống Vô thường-Khổ-Không-Vô ngã tánh của mình để cho lý luận xem ra nghe có vẻ logic hơn.
Và đây là hý luận của các sát tử: Các pháp Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức là vô thường, là khổ; nhưng cũng có những vô thường lại vui: mặt đang mụn hết mụn; răng đang đau hết đau... khổ rồi vui, vui rồi khổ cho nên tánh của chúng vốn là không. Tánh (của Năm uẩn) vốn không cho nên chúng mới là Vô ngã tánh (!?) 
Thật là hay! Hay đáo để! Nên mới khiến cho các tu-sĩ-phá-giới-bẻ-luật, các nhà học giả khoái chí cười đến tít cả mắt, thời còn thấy đâu ra hai tên gián điệp đã được Long Thọ vo tròn ném vào trong cái thùng rác chữ nghĩa của mình.
Thế nhưng, nếu có ai đó hoài nghi chất vấn; ngay tức khắc những sát tử của Long Thọ đua nhau múa lưỡi ngụy biện theo kiểu “Tánh không” vốn không phải là không – có, không phải là không – không, cũng không phải là không – không và không – có v.v... và v.v... Khốn khổ thay, điều này đã được chính Đức Thế Tôn tiên tri chính xác: 
“Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn, Bà-la-môn đần độn ngu si. Vị này, vì đần độn ngu si, khi bị hỏi vấn đề nay hay vấn đề khác, liền dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: ... Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế… tất cả những vị này đều bị bao trùm bởi lưới của sáu mươi hai luận chấp này, dầu chúng nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây” (Kinh Phạm Võng, Trường bộ 1)
Đáng tiếc thay, trước tên gián điệp “Tánh Không” của Long Thọ, nhiều người đã không nhận thức được sự lươn lẹo một cách “đần độn ngu si” của các luận sư ngoại học. Chính vì thế họ cũng không thể nhận diện được tên gián điệp thứ nhất là “Vô ngã”, nên đã hiểu sai lầm lời dạy “Các pháp là vô ngã” của Đức Phật. 

Câu nói này hiểu trong hệ thống Năm Thủ Uẩn, “các pháp” chính là các pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; và khi quán các pháp này trong hệ thống quán Pháp của hệ thống Bốn Niệm Xứ thời khái niệm “Vô ngã” có nghĩa là vô ngã chấp và vô ngã mạn.
Nói đơn giản, vô ngã chấp là không chấp vào các pháp Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức là ta, là của ta, là tự ngã nơi ta; còn vô ngã mạn là không chấp vào đây để so sánh hơn thua, ngang bằng với người khác. Tu tập vô ngã chấp và vô ngã mạn được bao nhiêu, đỡ khổ bấy nhiêu.
Và vì vậy câu “Các pháp là vô ngã” phải hiểu cho đầy đủ là: “Các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức là phải vô ngã mạn và vô ngã chấp với chúng”. Hoàn toàn không được hiểu theo cách xuyên tạc, thâm độc và đầy ác ý của các tu sĩ gián điệp gốc ngoại học - “Vạn pháp là vô ngã tánh” - để từ đó dẫn đến việc phủ nhận toàn bộ Chân Lý Chánh Pháp của Đức Phật (2)
Nhưng khốn thay từ bao đời nay khái niệm “Vô ngã tánh” cùng với sự phù trợ ma mãnh của “Tánh không” và thông qua miệng lưỡi nguy hiểm của loài rắn độc, hai thứ nọc độc nguy hại này đã ngấm sâu vào óc não của những kẻ ngây thơ suốt hàng trăm thế kỷ.
Và như vậy, bên cạnh tên gián điệp thứ nhất là “Vô ngã tánh”, thì “Tánh Không” chính là tên gián điệp thứ hai hết sức thâm độc đã được các luận sư ngụy trá gốc Bà-la-môn tung vào Đạo Phật nhằm phá hoại Phật Pháp!

IV. Thủ đoạn “Leo cao và tiêu diệt”
Như đã nói ở trên, đương thời Đức Phật đã phải nhiều lần bảo vệ cho Chánh Pháp bằng cách vạch mặt chỉ tên những luận sư, du sĩ ngoại đạo. Họ là những kẻ có ác tâm, luôn tìm mọi âm mưu, mọi cơ hội, mọi lý luận nhằm xuyên tạc, phủ nhận, xé toạc chân lý của Chánh Pháp. Đức Phật đã gọi tất cả đó chỉ là những kiểu “hý luận trườn uốn như con lươn”.
Nối tiếp truyền thống lươn lẹo của tổ phụ nhưng cũng biết không thể đối đầu trực tiếp với “Chúa Sơn Lâm”, những tên sát tử gián điệp tinh ma đã tìm cách quay sang dụ dỗ để tiêu diệt các chú sư tử con yếu hèn lêu lổng.
Các giả sư gốc Bà-la-môn như Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước… một mặt xiển dương cho phong trào phá giới bẻ luật qua chiêu bài “Phật giáo phát triển” nhằm làm suy yếu sức mạnh trí tuệ của các chú sư tử con. 
Mặt khác các Bồ-tát-gián-điệp đã dùng một tay viết kinh giả theo lối hý luận trườn uốn như con lươn, một tay viết luận dởm theo kiểu phân tích chẻ sợi tóc làm tư để tôn vinh cho cuốn kinh giả đó. Và để khoả lấp cho sự việc ngụy trá này Long Thọ đã tung ra đòn tuyên truyền hư ảo rằng mình đã xuống tận Long Cung để thỉnh kinh!?
Tất cả chỉ nhằm tạo nên một mê hồ trận đồ sộ khiến cho các tu-sĩ-phá-giới-bẻ-luật, các nhà học giả cả tin phải say sưa trong men chữ nghĩa, để từ đó Long Thọ và các tông đồ của ông ta mới dễ dàng cột cổ, xỏ mũi mọi người dắt đưa vào cái tử lộ “Tánh không” và “Vô ngã tánh” của mình. 

Để rồi cuối cùng mọi người đều phải công nhận với Long Thọ rằng “Tánh Không” và “Vô ngã tánh” là những tư tưởng vĩ đại trong Đạo Phật.
Đến đây xem như kế hoạch đưa hai tên gián điệp leo cao trong hàng ngũ đối phương đã được Long Thọ thực hiện một bước.
Để thấy rõ hơn âm mưu thâm độc và xảo quyệt của các luận sư gốc Bà-la-môn gián điệp, chúng ta hãy quay trở lại câu chuyện của cái giếng.
Sau khi Long Thọ đã đưa mọi người vào trong cái đáy giếng bằng cách tách bộ phận Pháp Năm Thủ Uẩn - Vô thường, Khổ, Vô Ngã ra khỏi hệ thống quán Pháp của hệ thống Bốn Niệm Xứ; và để hợp lý hóa cho cái mảnh trời con con trên thành miệng giếng đó, vị luận sư Bà-la-môn tiếp tục tung ra trước mắt mọi người hai chiếc lá “bồ-đề” giả, tức hai tên gián điệp “Tánh không” và “Vô ngã tánh”. 
Vừa lung lay hai chiếc lá để mọi người phải dán mắt vào đó, Long Thọ vừa từ từ đưa hai chiếc lá áp sát vào mắt của mọi người. Đến lúc đó, Long Thọ chỉ cần nhẹ nhàng bảo với mọi người ngồi trong đáy giếng:
_ “Đó, các con thấy chưa, bầu trời của chúng ta không có gì cả: không có trăng, không có sao, không có mây, không có gió, không có cả mặt trời. Đến các con còn không có thật huống hồ là vạn pháp trên thế gian này”.
Và thế là mọi người ngồi trong đáy giếng reo vui hý hửng như vừa tìm thấy lại được hai linh hồn của ông bà cố nội từ một cõi xa xăm nào đó. Với thứ ảo tưởng ấy, tất cả đã hỷ hả ê a theo lời dạy của người-tình-trong-mộng của Long Thọ với những lời lẽ ngu dốt, bịp bợm và đầy xấc láo đối với vị Tướng Quân Chánh Pháp của Đạo Phật.
Tôi nghe như vầy: “Này thằng con Xá Lợi, Sắc chẳng khác không, không chẳng khác Sắc. Sắc cũng là không, không cũng là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng là như thế... Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh, cũng không có hết vô minh. Không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có bốn Thánh lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc… Nhưng lại  cái Ba La Mật mà đến ba đời chư Phật còn phải y theo” (Bát Nhã Tâm Kinh).
Một sự lươn lẹo đảo điên không không – có có! Một cú liếm láp điên dại tận cùng! Một màn cắn xé cuồng tín, nhưng chỉ bằng miệng lưỡi của một người đàn bà trong mộng.
Thế mới là thâm độc! Thế mới là xảo quyệt chứ!
Quả thật, Phật cao bao nhiêu, ma quỷ chúng cũng vói theo bấy nhiêu! (3)

V. Chính sách cai trị “Cây gậy và củ cà rốt”
Chưa hết, vừa để bắt mọi người ngồi trong đáy giếng phải khuất phục trước sức mạnh của thần quyền, vừa là miếng mồi dụ cho các chú ếch phải an trú suốt đời trong đáy giếng; Long Thọ tiếp tục tung vào tên gián điệp thứ ba với biệt danh “Bồ-tát”.
Khái niệm Bồ-tát của các luận sư Bà-la-môn gián điệp lại là sự xuyên tạc khác nữa trước danh xưng Bồ-tát của Đức Phật.
Trong Kinh điển Nikāya cấp 1, với bài kinh Thánh Cầu (26, TB1) Đức Phật đã nêu rõ: “Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác Ngộ, khi chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm”. Điều này có nghĩa vị Bồ-tát vẫn còn bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm.
Cũng vậy, trong Tiểu Kinh Khổ Uẩn (14, TB1) Đức Phật đã dạy rõ, một vị Bồ-tát mới chỉ biết đơn thuần “dục vui ít khổ nhiều” chứ chưa chứng được hỷ lạc của Sơ thiền (do ly dục) và các pháp cao thượng hơn nên vẫn chưa thoát khỏi bị các dục chi phối.
Cụ thể hơn, trong bài Kinh Tùy Phiền Não (128, TB3), Đức Phật đã xác định rõ khi còn là Bồ-tát vẫn còn có những nghi hoặc, hôn trầm thuỳ miên, sợ hãi; thậm chí còn dâm ý (dutthullam), dục ái… nên định vẫn còn bị biến diệt.
Thêm vào đó, trong bài  Kinh Song Tầm  (19, TB1), Đức Phật đã phân biệt: “Khi Ta còn là Bồ-tát, chưa chứng Chánh Đẳng Giác, Ta phân ra hai loại tầm: tầm thiện và tầm ác”. Tầm ác là những suy nghĩ còn tham, sân, si, mạn, kiến, nghi... những suy nghĩ thuộc về ác pháp.
Như vậy, rõ ràng với danh xưng Bồ-tát, Đức Phật dùng để chỉ những người tuy tâm vẫn còn những bất thiện pháp nhưng đang tìm hướng tiến tu cho mình theo đúng Chánh Pháp, chưa có một chứng đạo nào cả.
Cũng như quý vị, tuy tâm vẫn còn tham-sân-si nhưng vừa được nghe những lời dạy đích thực của Đức Phật và đang tìm hướng tiến tu cho mình theo đúng Chánh Pháp, hẳn nhiên quý vị đã được Đức Phật thọ ký cho là những Bồ-tát rồi đó. <Thực ra, danh xưng "Bồ-tát" chỉ nên dành riêng cho các Đấng Thế Tôn khi chưa chứng Chánh Đẳng Giác>
Thế nhưng để đoạn dứt được các kiết sử, vén màn năm triền cái; tiến tới làm chủ bản thân mình, chiến thắng bốn nỗi khổ đau của một kiếp làm người với sanh, già, bệnh, chết; quý vị còn phải vượt qua biết bao những khó khăn từ nội tâm đến ngoại cảnh, thực hành nghiêm chỉnh và thanh tịnh giới luật, nỗ lực chiến đấu và chiến thắng chính mình mới mong chứng đắc được Thánh đạo quả A La Hán.
A La Hán là Thánh đạo quả đã được chính Đức Thế Tôn thọ ký bằng một trong những phẩm chất cao quý nhất như chính bản thân Ngài khi mới vừa thành đạo: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa” (Kinh Nikāya).
Không chỉ có vậy, quý vị còn phải biết vâng lời Đức Phật, thực hiện hạnh đại từ đại bi, tự độ độ tha cao cả

“Này các Tỷ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, các Ông cũng được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới.
Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ.
Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sinh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh Pháp”  (Tương Ưng 1, trang 234, (S.i,105)). 
Thế nhưng, ngòi bút dưới bàn tay Long Thọ đã biến thành chiếc đũa thần của gã phù thuỷ. Các giả sư Bà-la-môn gián điệp đã đổi trắng thay đen, biến ngụy thành chân, đổi chân thành ngụy.
Thánh đạo quả A La Hán phải biến thành hạng đệ tử Thanh Văn kém cỏi, thô thiển, ích kỷ; còn danh xưng Bồ-tát lại trở thành cả một đạo quả vĩ đại, siêu phàm với những thần thông phép tắc linh hiển mê hồn đủ sức khuất phục những tâm hồn yếu bóng vía  (4)
Những "Bồ-tát" của bè phái Long Thọ có thừa điều kiện thành Phật nhưng không thèm làm Phật mà ở lại trụ thế để thực hiện cái thứ bác ái vô trí tuệ theo kiểu bề trên ban ơn cứu khổ (Bồ-tát Địa Tạng).
Những Bồ-tát Đại thừa bất chấp cả đạo đức nhân quả. Bởi, những người tin theo chỉ cần sao chép một bài chỉnh cú bốn câu cũng mau chóng diệt được năm đại nghịch tội vô gián giết mẹ, giết cha, giết A La Hán, làm Phật chảy máu, phá hoà họp Tăng (Phẩm hạnh nguyện Phổ hiền Bồ-tát, kinh Hoa Nghiêm); hoặc vô tư thực hành những nghịch hạnh khổ người, hại đời, hoại đạo mà vẫn cứ nhởn nhơ như không (“Bồ-tát” nghịch hạnh Đề Bà Đạt Đa của Đại thừa).
Những Bồ-tát Đại thừa còn bất chấp cả đạo đức nhân bản khi xúi người hủy hoại thân thể chẳng khác nào những kẻ cuồng tín (nguyện thứ tám của Bồ-tát Phổ hiền, kinh Hoa Nghiêm); bố thí cả vợ con, tàn hại chính mình (kinh Hiền Ngu, Bồ-tát giới của Đại thừa giáo) v.v.. và v.v..
Quả thật, những Bồ-tát Đại thừa đã phát huy hết mức cái ma lực quỷ quái của mình, nên mới biến được những con ếch ngồi trong đáy giếng trở thành những con lừa, còn quý ngài biến thành cây gậy và củ cà rốt trong bàn tay của Long Thọ.
Những Bồ-tát trong kinh điển Đại thừa chính là các vị thần Bà-la-môn, đã được Long Thọ và các tông đồ của ông ta ra sức cải trang đưa vào trong Phật giáo. (5)

VI. Chiến lược “Đổ bê-tông và bóng tối hoá”
Như bao kẻ làm hàng gian hàng giả khác, các sát tử gián điệp cũng biết rất rõ những sản phẩm giả mạo của mình sẽ dễ dàng bị lật tẩy, phát hiện; một khi người tiêu dùng có được sản phẩm gốc chính hiệu. Để triệt tiêu khả năng này, Long Thọ cùng các tông đồ đã tung ngay ra Bồ-tát Giới
đạo quả Bồ-tát giả tạo tất cũng phải có Giới Bồ-tát giả mạo, trong đó có những điều khoản cấm tu sĩ Phật giáo nghiên cứu, phổ biến Kinh điển Nguyên Thủy. Chỉ với những “khinh cấu tội” này, xem như Long Thọ và các tông đồ của ông ta đã đổ được tấm bê-tông bịt kín miệng giếng.
Chưa hết, với bản chất đa nghi của một con cáo già lọc lõi, Long Thọ nghĩ rằng: sẽ có khả năng các tu sĩ Phật giáo, vì tính khách quan của chân lý, sẽ dám xé rào tìm đọc lại các Kinh điển Nguyên Thủy. Và như vậy, họ sẽ là những người thắp lên ngọn đuốc sáng soi rõ cái đáy giếng ẩm thấp, dơ bẩn, rác rưởi.
Để xóa sổ luôn khả năng này, Long Thọ và các thừa sai đã ra sức lắp đặt một hệ thống những chiếc “quạt ba tiêu”, đủ sức thổi tắt bất kỳ ánh đuốc soi đường nào. Hệ thống “quạt ba tiêu” này chính là hàng loạt những xuyên tạc hết sức tinh vi, thâm độc và toàn diện đã được Long Thọ và các tông đồ tinh ma giăng mắc đầy dẫy trong hệ thống kinh A-Hàm và các kinh-luật-luận Đại thừa.
Việc đưa ra ánh sáng những xuyên tạc hết sức tinh vi, thâm độc và toàn diện này, chúng tôi xin kêu gọi sự góp sức của các tu sĩ, cư sĩ Phật tử chân chính có tâm huyết với Đạo Phật.
Ở đây, trong phạm vi của bản cáo trạng sơ thẩm, chúng tôi chỉ xin đưa ra ba chứng cứ tiêu biểu để quý vị thẩm sát.
1/ Trong Kinh điển Nguyên Thủy Nikāya cấp 1, tiêu biểu là bài Kinh Phân Biệt Sự Thật (141, Trung Bộ 3), Đức Phật đã định nghĩa rõ ràng Chánh Tinh Tấn là Bốn Chánh Cần, tức 4 điều chân chánh cần phải tinh tấn thực hiện đó là:
_ Ngăn (niệm) ác, diệt (niệm) ác; sanh (niệm) thiện, tăng trưởng (niệm) thiện. Đây là giai đoạn tu tập Bốn Niệm Xứ để đạt trạng thái Không Định giai đoạn 1 (tâm không còn niệm ác, kiết sử). Kinh văn gọi là Định Có Tầm Có Tứ.
_ Tiếp đó phải ngăn vọng niệm, an trú niệm đã khởi; sanh trạng thái vô niệm, tăng trưởng trạng thái vô niệm đúng lúc, đúng chỗ (tức trạng thái Sơ Thiền viên mãn để chuẩn bị cho Nhị Thiền, trạng thái này hoàn toàn khác với Hư Không Vô Biên Xứ Định của ngoại đạo). Đây cũng là giai đoạn tu tập Bảy Giác Chi để đạt trạng thái Không Định giai đoạn 2, tức tương đương với Định Không Tầm Có Tứ.
Như vậy Bốn Chánh Cần có viên mãn, Sơ Thiền mới viên mãn. Sơ Thiền có viên mãn thì Nhị Thiền, Tam Thiền, Bốn Thiền mới thể nhập được. Chính vì vậy, trong Tiểu Kinh Phương Quảng (44, TB1), Bốn Chánh Cần còn được gọi là Định Tư Cụ, tức dụng cụ để nhập các định, không có dụng cụ này xem như con đường dẫn đến Bốn Thiền bị khoá chặt.
Mặt khác càng tinh tấn ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiệncàng giúp cho tâm thanh tịnh và thân an lạc. Vì thế mới gọi là Chánh Tinh Tấn.
Trong khi đó, ngay ở kinh A-Hàm tương đương, được xem như kinh văn “nguyên thuỷ cấp 1” theo truyền thống Đại Thừa; Chánh Tinh Tấn đã bị thay đổi hoàn toàn và đã được định nghĩa một cách mơ hồ như sau:
“...Vị ấy thi thố nỗ lực và phương tiện, tuyệt đối nỗ lực, bằng sức mạnh tiến tới sự hăng hái vững vàng, không từ bỏ, không thối lui, làm chủ tâm ý mình. Đây gọi là Chánh Phương Tiện” (Kinh Phân Biệt Thánh Đế Kinh, Trung A-Hàm bản tiếng Hán, số 31, trang 43a, dòng 19-20).
Như vậy, cứ theo định nghĩa này, những sự tinh tấn nỗ lực của bọn đầu trộm đuôi cướp, đại gian đại ác để làm chủ tâm ý mình, thực hiện những hành vi vô đạo đức, hại mình hại người cũng là Chánh Tinh Tấn trong Đạo Phật hay sao?
2/ Trong Kinh điển Nguyên Thủy Nikāya cấp 1, Đức Phật cũng đã định nghĩa rõ ràng “Chánh Niệm là Bốn Niệm Xứ, tức cần phải đặt niệm một cách chân chánh theo đúng hướng dùng một niệm thiện tiêu diệt một niệm ác; từ đó giúp đoạn tận mười kiết sử và đoạn trừ dần năm triền cái trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
Vì thế Đức Phật đã tuyên bố: “Bốn Niệm Xứ là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh” (Tương Ưng V, trang 219 / Trung Bộ I, trang 56); Bốn Niệm Xứ  viên mãn sẽ dẫn đến Bảy Giác Chi viên mãn. Bảy Giác Chi viên mãn sẽ dẫn đến Minh và giải thoát (Tương Ưng V, trang 116; Tăng Chi 4, Chương 10, trang 529).
Vai trò Bốn Niệm Xứ đặc biệt quan trọng nên Đức Phật cũng đã từng nhấn mạnh, Chừng nào Bốn Niệm Xứ còn được tu tập, chừng đó Diệu pháp còn tồn tại; ngược lại khi Bốn Niệm Xứ không còn được tu tập thời Diệu pháp cũng biến mất  (Tương Ưng V, trang 170 & 283).
Trong khi đó kinh A-Hàm lại hoàn toàn khác và đã định nghĩa một cách mơ hồ như sau: “Khi có chánh niệm hướng về, chánh niệm chống lại, hoặc không có chánh niệm hướng về bất cứ gì, vị ấy chú tâm, hoàn toàn chú tâm, duy trì sự tỉnh giác, không quên lãng. Đây gọi là Chánh Niệm” (Sđd, trang 43b, dòng 1-3).
Như vậy, nếu cứ theo định nghĩa này thì sự chú tâm hoàn toàn, không quên lãng, duy trì sự tỉnh giác của bọn bất lương khi thực hiện những hành vi xấu xa của chúng cũng là Chánh Niệm trong Đạo Phật hay sao?
3/ Trong kinh Nguyên Thủy Nikāya cấp 1, Đức Phật đã định nghĩa rõ ràng: Chánh Định là Bốn Thiền. Vì chỉ có duy nhất Sơ Thiền mới ly được dục tức ly được khổ, chỉ có Nhị Thiền mới tịnh chỉ tầm tứ nhờ vậy mới vững trú trong Chánh định, Tam Thiền tịnh chỉ hỷ, Bốn Thiền tịnh chỉ cả khổ lạc tiến tới tâm bất động trước các pháp.
Chỉ có duy nhất Bốn Thiền mới chứng đắc được Tam Minh (Kinh Saccaka).
Chỉ có duy nhất Bốn Thiền mới thể nhập được Niết-bàn (Kinh Bát Niết-bàn).
Trong khi đó, Chánh Định trong kinh A-Hàm hoàn toàn khác và đã được định nghĩa như sau: “Vào những lúc ấy, vị ấy chứng trú các thiền chứng, vững chắc, có định, không lay chuyển, không xao lãng, nhất tâm, vững vàng, tập trung. Đây gọi là Chánh Định” (Sđd, 43b, dòng 3-5).
Như vậy, nếu cứ theo định nghĩa này thì các loại định Yoga, định xuất hồn, định tưởng tĩnh lặng, định vô sắc của ngoại đạo... cũng trở thành Chánh Định trong Đạo Phật hay sao?
Như được biết, theo Tám Chánh Đạo và Bốn Diệu Đế: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định là những Chánh Đạo tức Đạo Đế, tức Chân Lý về con đường diệt khổ, tức Chân Lý về con đường giải thoát sanh tử, đoạn diệt luân hồi.
Đã là Chân Lý thời chỉ có một chứ không có hai.
Nó phải đúng cho tất cả mọi người, nó mới được gọi là Chân Lý, tức Đạo Đế.
Nó phải đúng qua tất cả mọi thời đại, nó mới được gọi là Chân Lý, tức Đạo Đế.
Nó phải đúng ở bất kỳ mọi nơi nào, nó mới được gọi là Chân Lý, tức Đạo Đế.
Đã là Chân Lý thì bất di bất dịch không bao giờ thay đổi. Âm mưu phát triển hoặc phủ nhận Chân Lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; ngay tức khắc đó là tà lý, là ngụy lý, là hý luận.
Đạo Phật là đạo của Chân Lý Cứu Khổ chứ không phải là quần áo hay đồ ăn mà phải cải biến cải biên cho hợp với địa phương, với chủng tộc, với thời đại (?) Những hý luận cải giáo ấu trĩ kiểu này không có gì khác hơn chính là hậu quả của sự ngộ độc về tri kiến giải thoát, tất phải dẫn đến sự biến dị quái gở của “zen” di truyền Phật Pháp.
Cho nên, trên con đường thể nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: 
+ mọi nỗ lực trái ngược với Chánh Tinh Tấn - Bốn Chánh Cần là tà tinh tấn;
mọi niệm tưởng trái ngược với Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ là tà niệm;
mọi thiền định trái ngược với Chánh Định - Bốn Thiền Bốn Thánh Định là tà thiền, tà định.
Rõ ràng chỉ cần một Chánh Đạo bị bẻ ngoặt thôi thì muôn đời cũng không có người tu chứng. Đằng này không chỉ có ba mà là hàng loạt những xuyên tạc hết sức tinh vi, thâm độc và toàn diện đã được Long Thọ và các tông đồ tinh ma đưa vào Đạo Phật thông qua hệ thống kinh A-Hàm, các kinh-luật-luận Đại Thừa, và ngay cả trong tạng luận của truyền thống Therevada, mà trong một dịp khác chúng tôi sẽ có dịp bàn đến.
Với hệ thống “quạt ba tiêu” đó đủ sức thổi tắt bất kỳ ánh đuốc soi đường nào, và như vậy, xem như bóng tối vĩnh viễn bao trùm trong cái đáy giếng của bè phái sát tử Long Thọ. 
Còn ai có thể tu chứng và giải thoát trong cái đáy giếng tối tăm rác rưởi của bè phái Bà-la-môn Long Thọ, hỡi các Phật tử? Có chăng cũng chỉ là những sự lừa bịp hoặc những ảo tưởng mà thôi!

VII. Thủ đoạn “Đốt rừng, giết thợ rừng”
Việc thủ tiêu Tiểu Bộ Kinh cấp 1 trong các kinh A-Hàm cấp 2 cũng nằm trong hệ thống những âm mưu này.
Như mọi người đều biết, trong Tiểu Bộ Kinh (Khudddaka Nikāya) cấp 1 ngoài các Kinh Tiểu Tụng (Khuddakapatha), Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Kinh Phật Tự Thuyết (Udana), Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), Kinh Tập (Suttanipata), Kinh Tiền Thân Đức Phật (Jataka)…; còn có các tạng Kinh Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragatha) và Trưởng Lão Ni Kệ (Therigatha). 
Hai Thánh tạng kinh này kể về những tấm gương thánh hạnh của các vị Thánh A La Hán đệ tử Phật. Các Ngài là những thành quả sống động cho một Chánh Pháp vi diệu.
Qua Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ chúng ta mới biết được:
-- Thế nào là lòng đại từ, đại bi của ngài Đại Ca Diếp qua thánh giới hạnh đầu đà của Ngài.
-- Thế nào là đại trí của ngài Xá Lợi Phất cất tiếng rống sư tử trước sự xuyên tạc Thánh hạnh A La Hán. Chỉ với bấy nhiêu thôi cũng không ai tin nổi một Tướng Quân Chánh Pháp như Ngài lại dễ dàng để cho người-tình-trong-mộng của Long Thọ qua mặt, lên giọng với cái thứ rác rưởi “Tánh không” và “Vô ngã tánh”.
-- Thế nào là đại lực của ngài Mục Kiền Liên đã sử dụng thần thông giáo hoá nhằm mục đích giáo dục con người thoát khỏi sự mê lầm của thứ thần thông huyễn hoá tai hại.
-- Thế nào là đại hùng, đại hỷ, đại xả, đại độ tha của ngài Phú Lâu La khi tôn giả tự nguyện xin Đức Phật sang đất nước của những người hung ác để hoá độ cho họ.
-- Thế nào là đại dũng của ngài Angulimala với đôi cánh của Tàm lực và Quý lực đã vượt qua chính mình, vượt lên trên tội ác của chính mình. Ngài phải chịu biết bao quả báo để trả nợ sòng phẳng cho nhân quả, để từ một tên tướng cướp sát nhân khét tiếng mới trở thành được một Thánh nhân trong Đạo Phật. Thánh Tăng Angulimala mãi mãi là tấm gương sáng vô giá cho những ai lỡ lầm được vững tin bước trên con đường của Chánh Pháp.
-- Thế nào là đại hạnh, đại tuệ của các Thánh Ni Pantacara, Kisa Gotami, những Thánh nữ đầy bản lãnh và thông minh, đã vượt qua những đau khổ tột cùng để giải thoát cho mình và cứu giúp cho rất nhiều người khác.
Và còn nhiều những tấm gương Thánh hạnh khác nữa.
Thế nhưng, các sát tử gián điệp không chỉ muốn tiêu diệt Chánh Pháp của Phật, họ còn muốn đập vỡ cho tan tành những tấm gương Thánh hạnh của các vị Thánh A La Hán đệ tử Phật.
Có vậy họ mới dễ dàng xuyên tạc, vu khống, bôi đen các tấm gương A La Hán sáng ngời, khiến cho không ít người đã phải hiểu lầm các vị Thánh Nguyên thủy Nhị Thừa chỉ là những hạng đệ tử thanh văn kém cỏi tầm thường, có trí tuệ thô sơ mông muội, chỉ hiểu được những bài pháp thô thiển của buổi đầu khai đạo; chỉ là những cỗ xe bé nhỏ ích kỷ, chỉ biết tu cho riêng mình, với những hình tướng cổ quái, kỳ dị v.v.. và v.v..
Chỉ có điều, nếu đơn phương thủ tiêu Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ không thôi, điều này sẽ khiến mọi người dễ dàng nghi ngờ và phát hiện ra manh tâm của các sát tử gián điệp.
Cho nên, muốn giết những người thợ rừng và để phi tang mọi chứng cớ khiến không ai có thể nghi ngờ và phát hiện ra âm mưu và thủ đoạn của mình, các lâm tặc đã thẳng tay đốt cháy trọn cả một khu rừng.
Chính vì lẽ đó, toàn bộ Kinh Tiểu Bộ cấp 1 đã phải chịu chung số phận với các vị Thánh A La Hán, biến mất khỏi hệ thống kinh A-Hàm cấp 2 là vì vậy.
Chưa hết, nếu so sánh kỹ giữa kinh gốc Nikāya cấp 1 và kinh A Hàm cấp 2 (chuyển dịch từ các bản kinh gốc bằng chữ Sanskrit), mọi người còn thấy được rất nhiều những xuyên tạc thâm hiểm khác nữa (Xem khảo luận “So sánh Chánh Kinh Trung Bộ Pāli và Tà kinh Trung A Hàm” của Kinh Sư Chánh Tư Duy).
Một khi các dịch giả gián điệp đã cố tình cải biến cải biên kinh Phật, họ phải hủy đi những chứng cứ gốc để không ai có thể phát hiện được âm mưu thủ đoạn của họ. Và đ chính là lý do vì sao các bản kinh gốc bằng tiếng Sanskrit đã bị tiêu huỷ không còn một cuốn!

VIII. Tặng phẩm “Hai sừng bò và một đuôi heo”
Trước sau các luận sư Bà La Môn đều mang dã tâm triệt phá Chánh Tam Bảo đến tận cùng. Chính họ đóng vai trò gián điệp, đồng thời các khái niệm, danh xưng, đạo quả do họ vẽ ra cũng là những tên “gián điệp” nguy hiểm trong các  kinh - luật - luận ngụy tạo.
Một trong số đó là danh xưng “Duyên giác”. Duyên giác là một đạo vị hoàn toàn thừa thãi về mặt tu chứng nhưng lại cần thiết cho cái trò chơi láu cá của bọn tiểu nhân.
Khi muốn đánh lừa các Phật tử thì các luận sư Bà La Môn lập lờ đánh lận con đen ẩn náu đạo danh “Duyên giác” trong đạo quả “Phật Độc giác” và lý Duyên Khởi. Còn khi muốn tác quái chống lại Đạo Phật, phủ định tất cả, thì ngay thức khắc “Duyên giác” trở thành con rắn độc hai lưỡi tráo trở lộng ngôn trong Trung Quán Luận và các tam tạng ngụy tạo khác.
Trong khi Đức Phật trong kinh Nguyên Thủy đã dạy rõ: "Ai thấy được lý Duyên khởi, người ấy thấy được Pháp; ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý Duyên khởi” (Trung Bộ I, số 28), còn các luận sư Đại Thừa lại vinh thăng “người ấy” lên đỉnh cao tột bậc một cách sống sượng: “Ai hiểu duyên khởi là hiểu được Như Lai” (sic), để rồi sau đó chính họ lại gom những người đã tuệ tri được lý 12 Chi phần Nhân duyên vào trong cái đạo vị Duyên giác và tô vẽ nó không thua gì đạo vị Bồ-tát của Đại Thừa, một quả vị có lúc thừa cả điều kiện để thành Phật (?)
Điều này có nghĩa: những Bồ-tát Bà-la-môn như Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước... không những đã hiểu Phật pháp mà còn hiểu được hơn cả trí tuệ và tâm can của Đức Phật (!?) Láo xược đến như thế là cùng!
Những ai đã tuệ tri được lý 12 Chi phần Nhân duyên khi quán xét nó trong hệ thống quán Pháp của hệ thống Bốn Niệm Xứ đều hiểu một trong những ý nghĩa quan trọng của Pháp 12 Chi phần Nhân duyên là để đoạn trừ Ái kiết sử và Vô minh kiết sử.
Từ đó mới hiểu thêm rằng, bên trong sự ra đi tìm chân lý cứu khổ cho nhân loại của vị thái tử dám từ chối cả ngôi vua, còn có cả một tình cảm sâu nặng đối với gia đình và hoàng tộc. Nhưng sự trở về của Ngài để cứu độ cho gia đình, cho hoàng tộc là sự trở về của lòng Từ Bi vô thượng. Sự ra đi của Đức Phật đã vĩ đại, sự trở về của Ngài còn vĩ đại hơn gấp nhiều lần.
Chỉ có thể hiểu được một góc chiếc lá trong nắm lá tay của Đức Phật với bấy nhiêu đó thôi, chứ làm sao có thể hiểu nổi trí tuệ như cả một cánh rừng của Đấng Như Lai, A La Hán Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Cho nên những “Như Lai sứ giả” nào đã tin vào ba cái đạo vị Thanh-văn, Duyên giác, Bồ-tát của nhóm Long Thọ, họ đã vô tình trở thành những “giả sứ” ngây thơ, đã bị các sát tử gián điệp cắm cho vào đầu hai chiếc sừng bò, còn phía sau là cả một cái đuôi heo mà vẫn không hề hay biết.

IX. Những đứa con vô trí và điên khùng
Có thể xem những kinh điển A-Hàm và kinh-luật-luận Đại Thừa như một kiểu “con ngựa thành Troy” trong Phật giáo, và bài Bát Nhã Tâm Kinh chính là bản tuyên ngôn cáo chung Đạo Phật để hình thành một tôn giáo mới là Đại Thừa giáo. 
Cho nên phải gọi Đại Thừa giáo cho đúng với bản chất của nó. Tôn giáo cải biên ấy thực ra không phải là Đại Thừa - Cỗ xe lớn, mà là “Hoại Thừa” tức cỗ xe phá hoại Đạo Phật, hoặc “Hoại Thừa giáo” - tức tôn giáo phá hoại Đạo Phật.
Chỉ có điều quỷ quyệt là nó vẫn mang danh Phật giáo, còn vị giáo chủ của nó lại chễm chệ trong cái đạo vị “Bồ-tát Đại Thừa” do chính mình nặn ra, để mãi mãi những kẻ đời sau tôn vinh như một vị thánh, đã có công chấn hưng Đạo Phật, thống nhất các bộ phái, khơi sáng những tư tưởng vĩ đại trong Đạo Phật (!?) 
Kế sách gián điệp là như thế và xem như bè phái Long Thọ đã thành công hoàn toàn! Các sát tử gián điệp đã đóng trọn vẹn vai của mình trong tấn tuồng bi hài kịch của lịch sử Phật giáo phương Bắc.
Những ai đã tán dương, xưng tụng bè phái Long Thọ, họ chẳng khác nào như những người con vô trí, vì quá ham mê vẻ sáng loáng của “con dao” Bát Nhã Tâm Kinh đến độ cứ ngỡ tưởng nó là di vật của cha, được trao từ tay của một kẻ tự mạo nhận là đệ tử của cha, để rồi hết lòng cúc cung bái tụng y. Nhưng họ nào có biết đâu, chính tên đệ tử mạo danh ấy lại là kẻ sát nhân, đã chủ mưu giết cha của họ bằng chính con dao họ đang cầm trong tay.
Nếu như Long Thọ còn sống, hẳn cứ phải ngất đi sống lại nhiều lần, vì cứ phải cười đến vỡ bụng trước cảnh các đệ tử Phật thắp nhang cung kính trước bàn thờ Phật, còn miệng lại râm ran bài Bát Nhã Tâm Kinh của Diêm Vương.
Đối với Long Thọ, họ vừa là những người con vô trí lại vừa là những đứa con điên khùng: đầu thì cứ tiếp sát đất đảnh lễ, còn miệng lại oang oang rủa cha là chỉ biết dạy những đồ vô dụng, những pháp cạn cợt; chỉ có người-tình-của-đệ-tử-cha mới dạy được những bài pháp chân thật, vĩ đại.
Quả đúng như Đức Phật đã phải thốt lên: “Rối ren thay loài người!”(Kinh Kandankara, Trung Bộ II, trang 31)! Và chẳng lẽ, lời hằn học của một nhà tư tưởng, ở đây, lại trở thành sự thật hay sao khi ông đã nhận xét: “Sự xảo quyệt của con người là vô giới hạn, còn sự ngu dốt cũng như vậy mà thôi!”

X. Quái thai “Vô phân biệt” và sự vô minh vô giới hạn
Từ sự giao phối giữa “Tánh Không” và “Vô ngã tánh”, nó đã đẻ ra cái quái thai “Vô phân biệt”.
Nếu không bị kềm thúc bởi năm giới luật căn bản của Đức Phật, thử hỏi cái quái thai “Vô phân biệt” đó sẽ đưa dắt con người về đâu, một khi con người không còn biết phân biệt đâu là thiện và ác, tốt và xấu, đạo đức - vô đạo đức, Thánh nhân - tiểu nhân, con người - thú vật...!?
Cái quái thai “Vô phân biệt” cùng với cái “đại trí độ luận” của Long Thọ đã độ cho biết bao loài ma vương nốc tiết canh, uống rượu, miệng vung vãi tà pháp lại được tôn vinh là những thánh tăng; sống nhầy nhụa trong dục lạc lại được ca xưng là Phật sống.
Chỉ có những cái quái thai “Vô phân biệt” mới đi tán dương xưng tụng những Tế Điên Tăng, những “Phật sống” cô Tư, bé Tám...
Một A-tu-la Vô phân biệt, dưới dạng một nhà sư Đại Thừa, khi được hỏi: “Phật là gì?”, y đã thản nhiên trả lời: “Phật là cục cứt khô” (!!?). Để rồi một quái thai theo sau khác cũng dám to mõm sủa hùa: "Phật là que chùi đít" (?!)
Những kẻ nói như thế hẳn cũng đã xem phẩn uế là cơm, và cũng đã ăn phẩn uế như ăn cơm.
Khốn thay không ít người lại tôn vinh các quái nhân ấy như những bậc đã giác ngộ được cái siêu lý “Tánh không” và “Vô ngã tánh”. Tất cả bọn họ đã bị Long Thọ biến thành những nô bộc cuồng si, những ngục tốt đầu trâu mặt ngựa để tiếp tay cho Long Thọ đẩy những kẻ nhẹ dạ xuống tận cùng của sự vữa nát về giới luật, đạo đức và nhân tính.
Bồ-tát Quán Tự Tại của Long Thọ trong Bát Nhã Kinh Tâm, đã không hiểu được rằng Năm Thủ Uẩn - Vô Thường, Khổ, Vô ngã chỉ là một Pháp được Đức Phật dạy để đoạn trừ Ngã mạn Kiết sử. Nói theo Kinh Niệm Xứ là phải biết quán pháp Vô Thường, Khổ, Vô ngã trên pháp Năm Thủ Uẩn nhằm khắc phục tham ưu do Ngã mạn kiết sử gây ra.
Nói cách khác, không nên chấp thủ vào Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức của ta, vì nó vô thường và bản chất là khổ đau, để so sánh hơn thua với người khác. 
Bởi, nếu thấy Năm Uẩn của ta hơn người, sẽ rơi vào cạm bẫy của tăng thượng mạn để rồi kiêu căng, ngạo mạn.
Nếu thấy Năm Uẩn của ta thua kém người, sẽ rơi vào cạm bẫy của ti liệt mạn để rồi mặc cảm, tự ti.
Nếu thấy Năm Uẩn của ta ngang bằng người, sẽ rơi vào cạm bẫy của đẳng mạn để rồi tự ái, tức ái chấp tự thân của mình.
Tất cả các loại ngã mạn, do chấp thủ vào năm uẩn, đều sẽ là đau khổ (Xin nhắc lại khái niệm Ngã chấp và Vô ngã chấp cùng với Ngã mạn và Vô ngã mạn của Đức Phật hoàn toàn khác với khái niệm Ngã tánh và Vô ngã tánh của Long Thọ).
Hơn thế nữa, hệ thống Năm Thủ Uẩn - Vô Thường, Khổ, Vô Ngã chỉ là 1 trong 7 hệ thống Quán Pháp.
Hệ thống quán Pháp chỉ là 1 trong 4 hệ thống Bốn Niệm Xứ.
Hệ thống Bốn Niệm Xứ chỉ là 1 trong 7 hệ thống 37 Phẩm Trợ Đạo.
Hệ thống 37 Phẩm Trợ Đạo chỉ là một trong nhiều hệ thống hỗ trợ Sơ Thiền.
Hệ thống Sơ Thiền chỉ là 1 trong 4 hệ thống Bốn Thánh Định.
Hệ thống Bốn Thánh Định chỉ là 1 trong 3 hệ thống Tam Vô Lậu Học tức hệ thống Thánh Giới Uẩn, hệ thống Thánh Định Uẩn và hệ thống Thánh Tuệ Uẩn (tức hệ thống Tam Minh).
Hệ thống Tam Vô Lậu Học mới chính là hệ thống phương pháp luận để dắt đưa con người đi đến giải thoát khỏi mọi khổ đau.
Thế nhưng kẻ vẽ ra hình tượng Quán Tự Tại mới chỉ biết có “chiếu kiến ngũ uẩn thành giai không”, đã vội huênh hoang hão huyền sẽ “độ thoát hết thảy khổ ách”(?) với người trí đây chỉ là kết quả của vô minh, khoác lác và dối lừa.
Các sát tử dựng nên hình tượng Quán Tự Tại chẳng khác nào những kẻ mù loà, đang đứng trước cánh rừng nguyên sinh vô giá, nhưng mới chỉ nắm được một nửa chiếc lá trong tay đã vội rêu rao dối gạt rằng chẳng có một cánh rừng nguyên sinh nào cả (!)
Ấy thế mà từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, tất cả nhắm mắt tin theo những “Bồ-tát gián điệp”. Hết thảy đua nhau tụng niệm “thần chú Bát Nhã Kinh Tâm” của dòng dõi Bà-la-môn giáo, đã thế còn dám “bắt” ba đời chư Phật phải y theo!
Quả thực, sự ngu dốt của con người là vô giới hạn, còn sự vô minh cũng không có điểm dừng. 
Quả báo sa địa ngục là điều không sao tránh khỏi.

XI. Kính chiếu yêu
Thực tế đã cho thấy: Long Thọ và các tông đồ của ông ta vừa là những “tổ sư gián điệp” vừa là những “tổ sư quảng cáo” trong tôn giáo. Nên một mặt họ đã khéo léo xé toạc Chân Lý của Đức Phật, mặt khác họ đã xiển dương cho những tà thuyết nguy hiểm đến như vậy mà mọi người vẫn lầm tin đó là trí tuệ siêu việt giúp độ thoát cho con người.
Với những mưu ma chước quỷ đó, bè phái Long Thọ đã đánh lừa được tất cả các tu-sĩ-phá-giới-bẻ-luật, các nhà học giả cả tin. Nhưng các sát tử gián điệp vẫn không sao qua mắt được Đức Phật, khi Ngài đã chánh biến tri cảnh giác cho tất cả mọi người chúng ta, nhưng không ai thèm để ý: Pháp của Ta thay vì trụ thế được một ngàn năm thì chỉ còn năm trăm năm (Kinh Gotami, Tăng Chi 3a, trang 251).
Xin lưu ý, đây cũng là thời điểm trùng khớp với sự xuất hiện của những tên sát tử gián điệp.
Lời tiên tri cảnh giác trên đã được Đức Phật tuyên bố khi Ngài chấp thuận cho thành lập giáo đoàn Ni sau sáu lần cầu thỉnh của bà Gotami và của ngài A Nan.
Bởi lẽ, Đức Phật biết rất rõ, những người sẽ dễ dàng rơi vào bẫy sập của những tay tổ quảng cáo trong tôn giáo, trước hết sẽ là những “bà nội trợ cả tin”; kế đến lượt các tu sĩ phá-giới-bẻ-luật, các nhà học giả, họ vốn cũng chỉ là những “ông nội trợ trên kinh điển!” (6)
Đến đây, chúng tôi xin nhắc nhở các “bà nội trợ cả tin” cùng các “ông nội trợ trên kinh điển” hai điều:
1/ Thứ nhất: Theo phương pháp luận nghiên cứu khoa học, khi đứng trước một vấn đề, đối tượng nghiên cứu có nhiều tài liệu kinh văn sai khác nhau, việc đầu tiên của nhà nghiên cứu là phải tập hợp tất cả các tài liệu, kinh văn đó lại.
Sau đó dựa trên những yếu tố căn bản như số lần chuyển dịch ngôn ngữ, không gian và thời gian xuất hiện tài liệu để phân cấp tài liệu. Dựa trên hệ thống kinh văn, tài liệu đã được phân cấp, khi và chỉ khi, nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, thông hiểu trọn vẹn các tài liệu, kinh văn cấp 1 (như các kinh NIKAYA và luật PATIMOKKHA); mới được phép nghiên cứu đến các tài liệu kinh văn cấp 2, cấp 3... (như các Kinh - Luật - Luận Đại Thừa)
Chỉ có như vậy, quý vị mới không bị những thông tin giả đánh lừa, không bị các thứ “kinh vua”, “pháp tối thượng dành cho các bậc đại nhân, đại trí” dụ dỗ, gạt gẫm.
Nếu không thực hiện được công việc cơ bản này mà đã vội gặp kinh gì tu theo kinh đó, gặp truyền thống nào tu theo truyền thống đó, gặp ông thầy nào nhắm mắt tu theo ông thầy đó; dù quý vị có đi tu từ khi mới dứt sữa, có được 100 tuổi hạ, có là những tổ sư Hoà thượng, những Lạt ma mật truyền, những Vua sư Vua sãi, những tiến sĩ Phật học hay gì gì chăng nữa; thời quý vị cũng dễ dàng trở thành những “con lừa mắt ếch”, mải chạy theo củ cà rốt trong bàn tay của kẻ khác, suốt đời phải quẩn quanh trong cái “đáy giếng” của tám nẻo tà đạo, để rồi bị Đức Phật gọi cho là bọn trưởng lão ngu.
2/ Thứ hai: Khi nghiên cứu Kinh điển Nguyên Thủy Nikāya, một hệ thống đã bị các nhà học giả gián điệp kết tập theo lối kinh viện, thư viện; do đó đã phá vỡ tính hệ thống thống nhất các giáo pháp của Đức Phật, cho nên quý vị phải vận dụng cả hai trí tuệ song hành: trí tuệ phân tích  trí tuệ tổng hợp.
Khi đọc Kinh điển Nikāya, quý vị phải nhìn bằng cả hai con mắt: con mắt thứ nhất với trí tuệ phân tích để có cách nhìn phân tích hệ thống, con mắt thứ hai với trí tuệ tổng hợp để có cách nhìn tổng hợp các bộ phận; nhờ vậy mới mong phần nào hiểu được hệ thống giáo pháp của Đức Phật.
Qua các bài kinh thuyết giảng rộng nghĩa của các vị Thánh A La Hán trước những lời dạy vắn tắt của Đức Phật đều cho thấy các Ngài đã vận dụng hai trí tuệ trên một cách hết sức sắc bén và khoa học.
Còn các Bồ-tát đương thời, các “Tối thượng sư” cân đai áo mão, các Tiến sĩ Phật học danh dự, quý vị có hiểu được thế nào là “phân tích hệ thống”, thế nào là “tổng hợp các bộ phận” không?
Nếu quý vị hiểu thì đã không đến lượt chúng tôi phải viết bản cáo trạng này. Nếu hiểu mà không dám nói để bảo vệ cho Chân Lý Cứu Khổ cho nhân loại, quý vị là những kẻ hèn nhát không xứng đáng là đệ tử của Đấng Như Lai. Và cũng chỉ có không hiểu mới đi bao che, biện hộ cho bè phái Long Thọ tiếp tục phá hoại Đạo Phật.
Muốn hiểu hai trí tuệ trên, quý vị phải có Tri Kiến Thanh Tịnh. Muốn có Tri Kiến Thanh Tịnh, quý vị phải có Tâm Thanh Tịnh. Muốn có Tâm Thanh Tịnh, quý vị phải có Giới Luật cho thanh tịnh <kinh Trạm Xe>
Đúng như Đức Phật đã từng tuyên bố: Giới luật ở đâu là trí tuệ ở đó, Trí tuệ ở đâu là giới luật ở đó; Giới luật còn là đạo Ta còn, giới luật mất là đạo Ta mất <Kinh Nikaya>
Đầu hàng trước Thánh Giới luật của Đức Phật, đến ăn ngày một bữa cũng không xong, để rồi đú đỡn theo cái thứ giới luật phát triển theo chiều bản năng dục của bọn tà sư, chỉ giỏi đặt miệng lưỡi lên trên giới luật, tức đã đem “trí tuệ thủng lỗ” xuống cách phía dưới xa miệng lưỡi, để từ đó tuôn tràn những thứ phẩn uế của tâm hồn, hẳn cái giá phải trả là chỉ còn biết cúi đầu khuất phục trước ngòi bút lươn lẹo của các luận sư ngoại đạo, suốt đời phải quỳ lạy dưới váy của người đàn bà quan âm Bà-la-môn do bọn chúng thấu cáy vẽ ra.
Chừng nào còn những bức tượng cùng những lời tru tréo của Quán Tự Tại quan âm Bà-la-môn trong các ngôi chùa, chừng đó con rắn độc Naga còn bắt những kẻ tin theo phải cong lưng đội trên đầu mối sỉ nhục của nó.
Ngày nào những kẻ ngây thơ còn nương theo tà kiến của các gián điệp ngoại học thâm độc xảo quyệt, lên giọng xấc láo với vị Tướng Quân Chánh Pháp của Đạo Phật: “Này thằng con Xá Lợi!” để rồi phủ nhận toàn bộ Chân Lý Chánh Pháp của Đức Phật, ngày đó họ còn khốn khổ trong tám nẻo tà đạo.
Ngày nào những kẻ ngu si còn “bắt” ba đời chư Phật phải nương theo tà pháp Bát-nhã Ba-la-mật của các tổ sư gián điệp Bà-la-môn, ngày đó địa ngục còn mở rộng cửa để chờ đón họ.
Khi Đức Phật đã chánh biến tri cảnh giác tất cả chúng ta: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.” (Tăng Chi I, trang 337-38).
Đồng thời những người con Phật phải biết lấy Thánh Giới Luật và Thánh Giáo Pháp của Ngài (tức 37 Phẩm Trợ Đạo) làm người Thầy, làm chỗ nương tựa cho chúng ta; và cũng phải biết tự tin nơi chính mình, tự mình là hòn đảo, tự mình thắp đuốc lên mà đi, đấy là Đức Phật đã trao cho chúng ta cả một phương pháp luận khách quan khoa học rồi đó.
Với một tinh thần khách quan khoa học, những người con Phật phải luôn nhắc nhở nhau ghi nhớ lời cảnh báo chí tình sau đây của bậc Đạo Sư: “Này Kassapa, địa giới không làm Diệu pháp biến mất, thủy giới không làm Diệu pháp biến mất, hỏa giới không làm Diệu pháp biến mất, phong giới không làm Diệu pháp biến mất. Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu pháp biến mất (S.ii,223).
Thật vậy, vì chỉ có ác-ngu-si mới tạo ngụy diệt chân, mới dựng tà phá chánh; và cũng chỉ có đại-ngu-si mới nghe sao tin vậy, không biết phân biệt đúng sai, thật giả, chánh tà. Hai thứ ngu này hợp lại, Diệu Pháp của bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác làm sao sống nổi?
Xin đừng quá ngây thơ cả tin để rồi gánh lấy cái ngu thứ hai từ những kẻ ác ngu si thứ nhất khiến cho Diệu Pháp phải biến mất vì sự vô ý thức của mình. Muốn vậy, những người con Phật phải ghi nhớ thêm lời dạy này trong kinh Pháp Cú: “Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu” (PC 63)
Suốt hơn hai ngàn năm qua đã có biết bao nhiêu người ngu tưởng rằng mình và những kẻ ác-ngu-si có trí, thế nhưng hỡi ôi, tất cả cũng chỉ là một loại thậm chí ngu. Đã là thậm chí ngu thời làm sao Diệu Pháp của bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác còn tồn tại nơi những hạng này?
Và như vậy, đến đây, câu hỏi “Ai đã giết Phật giáo?” đã được trả lời đầy đủ; và “Bản Tuyên Cáo Trong Vụ Án Xuyên Thế Kỷ” phải tới hồi công bố.
]]]

Hy hữu thay Đức Phật ra đời.
Hy hữu thay Chánh Pháp được xương minh.
Hy hữu thay chúng Tăng hoà hợp.
Hy hữu thay tứ chúng đồng tu
(PC 194)

______________________
CHÚ THÍCH
(1) Người tu tà  thiền khi rơi vào trạng thái Hư Không Vô Biên Xứ Định cũng giống như các học giả rơi vào lưới hý luận của các tổ sư gốc Bà-la-môn, tất cả sẽ dễ dàng “giác ngộ” và chấp nhận khái niệm “Tánh Không” và “Vô ngã tánh” của Long Thọ.
(2) Khi Đức Phật tuyên xưng “Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn. Nhất thiết thế gian. Sanh, Lão, Bệnh, Tử” cùng Mười danh hiệu là Đức Phật đã tuyên bố ngã tánh của Đức PhậtCác pháp đều có ngã tánh cụ thể, chỉ có điều ngã-tánh-chủ-thể được tồn tại dựa trên sự tồn tại và kết hợp của các ngã-tánh-cá-thể. Khi các duyên kết hợp của các ngã-tánh-cá-thể không còn thời ngã-tánh-chủ-thể cũng không còn, điều đó không thể nói vạn pháp là vô ngã được.
Mặt khác khi khổ thọ ngã tánh khởi lên mà dùng hý luận thọ là vô ngã tánh, ta là vô ngã tánh thì muôn đời cũng không thoát khổ. Còn nếu phải đợi tới lúc “chiếu kiến năm uẩn thành giai không” mới “độ thoát hết thảy khổ ách”, vậy Pháp của Phật “thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian” ở chỗ nào? Cho nên, thật không quá đáng một chút nào khi có người đã mỉa mai “hãy cho tôi cái lưỡi của Long Thọ, tôi sẽ liếm sạch ngã tánh của thế gian”!
(3) Sau này tất cả các tông phái trong Phật giáo do tu hành sai pháp, không y theo đúng Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ và Chánh Định - Bốn Thiền Bốn Thánh Định của Đức Phật, nên đã rơi vào cái đáy huyệt Hư Không Vô Biên Xứ Định của ngoại đạo; nên cũng rơi luôn vào cái đáy giếng “Tánh không và Vô ngã tánh” của Long Thọ. 
Tất cả đã ngủ mê tại đây cùng với những ảo tưởng mà họ gọi là Phật Tánh, Nhất Tâm Bất Loạn, Chơn Như, (và cả) Thiền Minh Sát...  Trong đó Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông, hơn ai hết, đã cổ vũ mạnh mẽ cho Bát Nhã Tâm Kinh để trở thành những đạo quân tiên phong thực hiện sứ mạng phản đồ một cách vô ý thức cho bè phái Long Thọ.
(4) Đức Phật gọi đây là loại thần thông ký thuyết (vì nó chỉ có trong những sách vở, kinh điển mê tín) hoặc thần thông huyễn hoá (vì nó không có thật, chỉ do con người tưởng tượng nghĩ ra).
(5) Điển hình như “Phật Ngàn mắt ngàn tay” của Đại thừa chính là hung thần Aj-jun của Bà-la-môn giáo. Thật vậy, trong Chuyện Tiền thân Bhùridatta, số 543, Bà-la-môn Kànàrittha đã ca ngợi:
“119. Ku-ve-ra, So-ma, các thần,
Dhà-tà, Vi-dha, cùng trời, trăng,
Bao phen đã cử hành đàn tế,
Ban các La-môn mọi phước ân.

120. Aj-jun vĩ đại giáng tai ương,
Chi chít ngàn tay mọc khắp thân;
Mỗi cặp tay cầm cung dọa nạt,

Dâng thần Lửa lễ vật đầy tràn!”
Theo thứ bậc của Bà-la-môn giáo, Ác thần Aj-jun Ngàn tay còn thấp kém hơn cả thần Lửa. Cho nên các Phật tử Đại thừa càng khoe khoang tôn thờ “Phật Aj-jun Ngàn mắt ngàn tay” bao nhiêu, các con cháu Bà-la-môn của Long Thọ càng khinh thường Phật giáo bấy nhiêu.
Còn đối với nhiều người khác, hình ảnh nham nhở phanh ngực phanh bụng của Bụt Di Lặc chẳng khác nào một kẻ dung tục khiếm nhã. Đã thế, các Bồ-tát Đại thừa còn bị vẽ vời biến thái về giới tính, về giống loài, về thiện ác, về chân ngụy. Ấy thế mà bao đời nay người ta vẫn cứ vô tư lễ lạy! Thật không sao tưởng nổi!  
(6) Trong Kinh, Đức Phật cũng đã giải thích rõ ngôi nhà nào có nhiều đàn bà tất sẽ dễ bị đánh cướp hơn. Thực tế đã diễn ra hoàn toàn đúng với lời tiên tri cảnh giác của Đức Phật. 
________________
PHÁP TRÍCH LỤC

Kinh Tăng Chi tập 3, Chương 7, III. Phẩm Vajjì (Bạt Kỳ), (II) (20) Vassakàra (trang 305)
“4. Khi được nói vậy, Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjì chỉ hội đủ một pháp không bị suy giảm này, thời dân Vajjì nhất định được lớn mạnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ các bảy pháp không bị suy giảm. Thưa Tôn giả Gotama, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjì ở chiến trận, trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián. Thưa Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận”.
{ Ghi chú: Kế ngoại giao là giả kết thân để đối phương không nghi ngờ, rồi tìm cách phá hoại. Kế sách này giống như kế gián điệp: giả dạng làm người của đối phương rồi gây hại, gây chia rẽ địch thủ từ bên trong.
Ngay thời Phật, Bà-la-môn Vassakàra đã biết gian kế này, chẳng lẽ các luận sư Bà-la-môn đời sau lại không biết? Ngay trong Chánh Kinh và Chánh Luật còn ghi lại, Bà-la-môn Vassakàra đã có những kiểu chống phá ngấm ngầm Tam Bảo rất thâm độc, chẳng lẽ con cháu sau này của Bà-la-môn giáo lại không? Hẳn chỉ có sự cả tin và ngây thơ mới dám tin liền các luận sư Bà-la-môn hậu bối!
Trích kinh III. Yamaka (Tạp 5, Ðại 2,30c) (S.iii,109). Lời ngài Xá-lợi-phất dạy cho Tỳ-kheo Yamaka:
38-39) Lành thay, lành thay, Hiền giả Yamaka! Hiền giả Yamaka, ta sẽ cho Hiền giả một ví dụ để ý nghĩa này được hiểu rõ thêm nữa. Ví như, này Hiền giả Yamaka, một người gia chủ hay con của người gia chủ, là nhà hào phú, tiền nhiều, của nhiều, lại được bảo vệ. Rồi có người đến, muốn điều bất lợi, muốn điều bất hạnh, muốn điều bất an, muốn đoạt mạng sống người kia.
Người ấy suy nghĩ: "Người gia chủ hay con của người gia chủ này là nhà hào phú, tiền nhiều, của nhiều, lại được bảo vệ. Thật không dễ gì đoạt mạng sống nó bằng sức mạnh. Vậy ta hãy tìm cách xâm nhập rồi sẽ đoạt mạng sống". Người ấy đi đến người gia chủ hay con của người gia chủ kia, và nói như sau: "Thưa Tôn giả, tôi xin được hầu hạ Tôn giả”.
Người gia chủ hay con của người gia chủ kia chấp nhận cho người ấy hầu hạ. Người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử chỉ đẹp lòng, lời nói khả ái. Người gia chủ hay con của người gia chủ kia tin tưởng người ấy, xem người ấy như thân hữu, tin tưởng người ấy, xem như tâm hữu, và đặt lòng tín cẩn vào người ấy.
Này Hiền giả, khi người ấy đã tin tưởng rằng: "Người gia chủ hay con của người gia chủ này đã tín cẩn ta", khi bắt gặp người con của gia chủ ở một chỗ thanh vắng, liền lấy con dao sắc bén, đoạt mạng sống người con của gia chủ.
40) Hiền giả Yamaka, Hiền giả nghĩ thế nào? Khi người ấy đến với người gia chủ hay con của người gia chủ kia và nói: "Thưa Tôn giả, tôi muốn hầu hạ Tôn giả"; khi ấy người ấy có phải là kẻ giết người không? Và dầu cho người ấy là kẻ giết người, người gia chủ hay con của người gia chủ cũng không nghĩ rằng: "Ta có một kẻ giết người".
41) Khi người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử chỉ đẹp lòng, lời nói khả ái, khi ấy dầu cho người ấy là kẻ giết người, người gia chủ hay con của người gia chủ cũng không nghĩ rằng: "Ta có một kẻ giết người".
-- Thưa vâng, này Hiền giả.
{ Ghi chú: Cũng vậy, ngay trong thời Phật mặc dù đã có một số sa-môn, Bà-la-môn ngoại học thiện lành và được chính Đức Thế Tôn trực tiếp giáo hóa nên đã trở thành những Phật tử chân chánh. Thế nhưng bên cạnh đó cũng đã có rất nhiều các sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ ngoại học trước sau vẫn cố tâm phá hoại Tam Bảo, thậm chí giả dạng làm Tỳ-kheo nhằm triệt phá Đạo Phật.
Các Bà-la-môn ngoại học đời sau chẳng lẽ đều thực lòng dễ dàng quy y theo Phật giáo? Họ có thực lòng chấn hưng Phật giáo? Họ có thực sựkết tập đúng các Kinh-Luật-Luận mới cho Phật giáo để cho Bà-la-môn giáo phải suy yếu và tàn lụi?
Hẳn chỉ có sự cả tin, ngây thơ và điên dại mới dám tin liền!
Trích từ Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, số 136, Trung Bộ 3
“Ngồi một bên, du sĩ ngoại đạo Potaliputta thưa với Tôn giả Samiddhi:
-- Này Hiền giả Samiddhi, trước mặt Thế Tôn, tôi tự thân nghe, tự thân ghi nhận như sau: "Hư vọng là thân nghiệp, hư vọng là khẩu nghiệp, chỉ có ý nghiệp là chân thật. Và có một Thiền chứng (samapatti), do thành tựu Thiền chứng này, sẽ không có cảm giác gì".
-- Này Hiền giả Potaliputta, chớ có nói vậy. Này Hiền giả Potaliputta, chớ có nói vậy. Chớ có phỉ báng Thế Tôn; phỉ báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như vậy: "Hư vọng là thân nghiệp, hư vọng là khẩu nghiệp, chỉ có ý nghiệp là chân thật". Và Hiền giả, “có một Thiền Chứng, do thành tựu thiền chứng này, sẽ không có cảm giác gì”.
…Rồi Tôn giả Ananda và Tôn giả Samiddhi đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda, trình lên Thế Tôn tất cả câu chuyện giữa Tôn giả Samiddhi với du sĩ ngoại đạo Potaliputta.
Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
-- Này Ananda, Ta chưa từng thấy du sĩ ngoại đạo Potaliputta, thời câu chuyện này từ đâu xảy ra?”…
Tăng Chi tập 2, chương 4, tr.262
“Rồi Bà-la-môn Sikha Moggallàna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sikha Moggallàna thưa với Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, những ngày trước đây, trước đây nữa, thanh niên Sonakàyana có đến con, và sau khi đến nói với con như sau: "Sa-môn Gotama chủ trương tất cả nghiệp đều không có kết quả. Chủ trương tất cả nghiệp đều không có kết quả, vị ấy nói đến sự đoạn diệt của thế giới, nhưng thế giới này thiệt là có do nghiệp tác thành thế giới và được tồn tại do tác động của nghiệp”.
-- Này Bà-la-môn, Ta chưa từng thấy thanh niên Sonakàyana. Từ đâu lại có câu chuyện như vậy?...”

Tăng Chi tập 1, chương 3, tr.287
“Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:
-- Tôi có được nghe, thưa Tôn giả Gotama, người ta loan truyền rằng Sa-môn Gotama nói như sau: "Cần phải bố thí cho Ta, không cần bố thí cho người khác. Cần phải bố thí cho đệ tử của Ta, không cần phải bố thí cho đệ tử những người khác. Bố thí cho Ta có quả lớn, bố thí cho những người khác không có quả lớn. Bố thí cho các đệ tử của ta có quả lớn, bố thí cho những đệ tử của người khác không có quả lớn!...
-- Này Vaccha, những ai nói rằng Sa-môn Gotama nói như sau: "Cần phải bố thí cho Ta, không cần bố thí cho người khác. ...Bố thí cho các đệ tử của ta có quả lớn, bố thí cho những đệ tử của người khác không có quả lớn!", những người ấy không nói đúng với lời nói của Ta, họ đã xuyên tạc Ta với điều không thật, họ đã nói láo. Này Vaccha, ai ngăn chận người khác bố thí, người ấy tạo ra ba chướng ngại pháp và đánh cắp mất ba vật. Thế nào là ba?...”

Kinh Kannakatthala, số 90, Trung Bộ 2, Đức Thế Tôn đã nói với vua Pasenadi:
_ “Thưa Ðại vương, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến, có thể cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra”, những vị nói như vậy không nói đúng lời Ta nói, và họ xuyên tạc Ta một cách hư ngụy, không đúng sự thật”.

{ Ghi chú: Ngay khi Phật còn tại tiền mà ngoại đạo còn ngang nhiên giả danh Phật, giả lời Phật để xuyên tạc Pháp Phật, lừa gạt đệ tử Phật. Trong khi đó một chiều tin vào các luận sư gốc Bà-la-môn và các kinh văn do họ kết tập sau khi Đức Phật nhập diệt hằng trăm năm với rất nhiều nội dung chống lại tinh thần nguyên thủy, như vậy có phải là quá mù quáng không?
Do đâu lại mù quáng? Lời tiên tri của Đức Chánh Biến Tri dưới đây là câu trả lời
Lược trích bài kinh “Sợ Hãi Trong Tương Lai (3)”, Tăng Chi 2, Chương 5, Phẩm Chiến Sĩ, trang 479
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng… đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không (tánh. Tg), khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng. Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư… thứ năm về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy

Tăng Chi 1, Chương 2, tr. 130:
“Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các ác Tỷ-kheo cường mạnh, trong khi ấy, các thuần tịnh Tỷ-kheo yếu đuối. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo thuần tịnh giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chúng Tỷ-kheo, hoặc đi đến các quốc độ biên địa. Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là bất hạnh cho đa số, là không an lạc cho đa số, là không lợi ích cho đa số, là bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các thuần tịnh Tỷ-kheo cường mạnh, trong khi ấy, các ác Tỷ-kheo yếu đuối. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, các ác Tỷ-kheo giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chúng Tỷ-kheo, hoặc đi các chỗ khác. Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạnh phúc cho đa số, là an lạc cho đa số, là lợi ích cho đa số, là hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.”
{ Ghi chú: Hơn hai ngàn năm qua nhiều kẻ ngây thơ đã bị lừa, nhiều nơi các ác Tỳ-kheo cường mạnh, còn các thuần tịnh Tỳ-kheo trở thành yếu đuối, phải im lặng.

Thời đại của ngây thơ, cả tin, mê tín khiến Diệu Pháp biến mất đã qua rồi! Giờ đây đã đến lúc những gì của Đạo Phật phải trả về cho Đạo Phật, những gì của ngoại học phải trả về cho ngoại học. Và những Tỳ-kheo thuần tịnh phải lên tiếng để bảo vệ cho Chánh Pháp.

Như Đức Phật đã dạy “Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ đứng vững tồn tại”. Diệu Pháp của Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác là lõi cây, là chân lý vĩnh hằng, sẽ tồn tại vững vàng cùng những người con trí tuệ và giới hạnh của Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét