Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

QUÁI THAI "VÔ PHÂN BIỆT" VÀ SỰ NGU DỐT VÔ GIỚI HẠN CỦA ĐẠI THỪA


Hỏi: Giáo lý "vô phân biệt" rất phổ biến trong các kinh văn Đại Thừa như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Kim Cang, Lăng Nghiêm v.v... và nó đã được các luận sư Đại Thừa ra sức xiển dương. Ý nghĩa thực sự của tư tưởng cải biến này là gì?
! Luận sư Đại Thừa trả lời: Đó là tòa "Đại lâu các Trang Nghiêm tạng" (Vairochana Vyùha Alankara-garbha) đã được Bụt Di-lặc hóa hiện trong kinh Đại Thừa Hoa Nghiêm. Tại đây, tôn giả Thiện Tài đã phát biểu:
"Đại lâu các này là trú xứ của những ai đã hiểu ý nghĩa Không, Vô tướng và Vô nguyện, của những ai đã hiểu rằng hết thảy các pháp là vô phân biệt, rằng pháp giới vốn là vô sai biệt, rằng chúng sanh giới vốn là bất khả đắc, rằng hết thảy các pháp vốn là vô sinh. Đây là trú xứ, nơi thường thích ở đối với những ai biết rằng hết thảy các pháp đều không tự tánh, những ai không phân biệt pháp theo bất cứ loại tướng nào...”(Theo “Phật Học Khái Luận”, Chương II, Phần IV. Hoa Nghiêm và Duyên Khởi, HT Thích Chơn Thiện. Nguồn: Thiền Luận, D.T. Suzuki, cuốn Hạ, Tuệ Sỹ dịch, tr.173).
Đó cũng là “trái tim” vô phân biệt của Bát nhã Ba La Mật của Đại Thừa cao siêu. Các pháp vốn không dơ, không sạch, không trí, không đắc cho đến “vô khổ, tập, diệt, đạo”: không còn cả bốn thánh lý diệu kỳ của Phật Thích Ca.
Cho nên, thật dễ hiểu khi ngay phần đầu của Trung Quán luận, tổ Long Thọ đã phán: "Bất sanh diệc bất diệt. Bất thường diệc bất đoạn. Bất nhất diệc bất dị. Bất khứ diệc bất lai”. Chỉ cần nghe được vài tiếng nước ngoài như thế thôi, dù chưa hiểu gì cả, mình cũng đã cảm thấy hép-pi, vinh dự, hãnh diện, hãnh tiến lắm rồi!
Các Tổ và Bồ-tát đã dạy rành rành như thế, ấy vậy mà cho đến tận bây giờ vẫn còn những kẻ cứ lải nhải nhắc đi nhắc lại kinh văn theo kiểu Nhị thừa tiểu phái: “Phàm pháp gì sanh lên tất sẽ bị hoại diệt”. Hầy, chuyện ấy xa xưa lắm rồi, cũ kĩ lắm rồi!
Chỉ cần nêu một ví dụ cũng đủ thấy, thử hỏi các Phật tử, có ai biết các tạng kinh gốc bằng tiếng Sanskrit đã phát sanh như thế nào và biến đi như thế nào không? Rõ ràng các pháp ấy cứ như các bóng ma “bất sanh diệc bất diệt, bất thường diệc bất đoạn” đấy chứ!
Đó cũng là tinh thần phá chấp vào sự phân biệt chữ nghĩa văn tự nhị biên kém cỏi tầm thường; phải trực chỉ chân tâm để kiến tánh thành Bụt của tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Đó cũng là bộ mặt thật xưa nay của Lục tổ Huệ Năng khi ngài không còn biết phân biệt: “Chẳng niệm thiện, niệm ác. Bản lai diện mục hiện tiền”.Nhờ đâu? Nhờ ngài ngộ từ kinh Kim Cang của Đại Thừa, “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”: niệm không trụ vào đâu thời thấy ngay tâm kỳ diệu thôi mà!
Hẳn là Đề Bà Đạt Đa cũng đại ngộ được thâm ý này nên ngài mới ra sức ám hại Phật Tổ, tích cực phân hóa Tăng đoàn, không cần phân biệt thiện ác, tội phước gì cả. Nếu ngài còn si mê đi phân biệt theo kiểu nhị biên của hàng Thanh Văn Tiểu Thừa, chắc chắn ngài đã không dám can đảm như thế.
Cho nên, thật hữu ý khi các Tổ sư gốc Bà-la-môn đã vinh danh ngài là Bồ-tát Nghịch hạnh. Cái này theo ngôn ngữ dân gian người ta gọi là “rau nào sâu nấy” hay “cá mè một lứa” thì cũng thế. 
Cái trí tuệ “vô sở trụ - vô phân biệt” thật mênh mông cao siêu sâu thẳm, người bình thường không dễ gì biết được. Ai đó còn muốn phá nghi tình muốn cố tâm tìm hiểu, hãy cứ thử hình dung mấy con bò, con dê, con lừa, con ngựa cả đời nhai cỏ ung dung, mấy kẻ điên khùng cứ vô tư thỏng tay vào chợ, đố ai biết tâm các chúng sanh ấy trụ vào đâu, phân biệt thiện ác thế nào?
Đến như loài cá sấu hung dữ cứ mỗi lần cắn xé, nhai nuốt các con vật khác đều chảy nước mắt, nhưng thật ra cái “bản lai diện mục” của chúng có biết phân biệt niệm thiện, niệm ác gì đâu?
Cho nên, nếu các thiền sư đều noi gương tổ sư Lâm Tế, không muốn phân biệt “Bụt” và “cục cứt khô”; thời những ai tin theo các ngài cũng phải nên biết rằng “Tổ sư thiền”, “kẻ điên” hay “con vật” nào có khác gì nhau. Đó chỉ là những danh từ thôi, phân biệt làm gì cho rối chuyện. Thế là hoát nhiên đại ngộ rồi nhé!   
Nếu ai đó còn không tin, cứ thử gọi các tôn giả Vô phân biệt là Hòa Thượng Thích Như Trâu, Thượng Tọa Thích Trí Quỷ hoặc Đại Đức Thích Ngu Dốt… sẽ thấy các ngài không những không buồn giận mà còn hoan hỷ, thích thú.
Bởi, các ngài đều nghĩ rằng, ít nhất, cũng đã có người liễu ngộ cái diệu lý “bất chấp danh tự nhị biên” và thực thi triệt để tinh thần “hết thảy các pháp là vô phân biệt, rằng pháp giới vốn là vô sai biệt” của hàng thượng căn đại trí.
Học, hỏi, hiểu và hành về trí tuệ vô phân biệt là như vậy!
Giáo lý Vô phân biệt cũng chính là tinh thần “vô niệm - vô trụ” đến tận cùng, như những câu sau đây trong Chương thứ 11 của kinh Bốn Mươi Hai Chương thuộc truyền thống Đại Thừa cao siêu, do các Tổ sư gốc Bà-la-môn kết tập: “Cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng ăn”.
Thú thật, tôi đã phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần lời dạy trên vì sợ mình nhìn lầm, cuối cùng mới dám xác chứng. Không những thế tôi còn đem hỏi những tu sĩ Nguyên Thủy xem trong kinh văn gốc Đức Phật có dạy về sự hiện hữu của một “vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng” không. Thế nhưng mấy ông Tiểu Thừa đều một mực lắc đầu và phán chắc như đinh đóng cột: “Nếu có, chết liền!” Có ông còn cười khủng khỉnh: “Có chăng là mấy “vị” đang ở ngoài đồng vô tư gặm cỏ. Các “vị” ấy có “vị” nào có niệm, có trụ, có tu, có chứng?”
Ối trời đất ơi! Chẳng lẽ lại có kẻ hiểm ác muốn chơi khăm các con Phật đến thế hay sao? Chẳng lẽ các vị đại trí tuệ con Phật lại quá ngây thơ cả tin đến độ không biết gì ư? Kinh Bốn Mươi Hai Chương đã lưu truyền ở phương Bắc hàng ngàn năm rồi cơ mà?
Tôi càng nghĩ càng sợ, suy tới cũng kinh mà tính lui cũng hoảng, cuối cùng đành tự nhủ lòng: “Không lẽ các Tổ sư Bà-la-môn đã quy y Phật lại còn chơi ác như vậy? Vả lại, mình đã vô phân biệt rồi còn chấp trước phân vân gì nữa? Mặc kệ! Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, mỗi người phải chịu trách nhiệm trước nghiệp báo của mình. Chánh kiến tất được an vui giải thoát, còn tà kiến ngu si xúc phạm thánh nhân, bị đọa địa ngục ráng chịu”.
Giáo lý Vô phân biệt cũng chính là trí tuệ siêu việt không còn phân biệt “ta, người, chúng sanh, thọ giả” như trong kinh Kim Cang, đoạn 40, có dạy rõ:
Trưởng lão Thiện hiện, các vị đừng nói Như lai nghĩ rằng Như lai giải thoát các loại chúng sinh; trưởng lão Thiện hiện, đừng nghĩ như vậy, vì thật không có một chúng sinh nào Như lai giải thoát. Nếu có chúng sinh Như lai giải thoát, thì thế chính là Như lai đã có ý tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả”.
Như vậy, cứ chiếu theo tinh thần “Kim Cang” Đại Thừa tối cao mà hiểu: thực ra ông Phật chẳng có công đức gì cả. Các pháp đã vô phân biệt rồi còn công đức, công ơn gì nữa!
Tuy nhiên, nói vậy mà không phải chỉ có vậy, bởi Bụt Kim Cang cũng biết trụ tâm vào xe lớn - xe nhỏ, pháp to - pháp bé, kẻ đại - người tiểu để phân biệt rõ: “…giáo pháp Đại Thừa, nói cho những người đi theo giáo pháp Đại Thừa tối thượng… bởi vì những ai ưa pháp Tiểu Thừa, vẫn còn ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả” (Đoạn 25).
Có lần, một cư sĩ hỏi tôi: “Trong kinh Vô Tránh Phân Biệt, Trung Bộ 3 của Tiểu Thừa, Đức Phật đã tán thán Thiện gia nam tử Subhuti (Tu-bồ-đề) vì biết phân biệt rõ ràng giữa các pháp ác nên tránh né và các pháp thiện không nên tránh né, nhờ vậy mới biết thực hành đạo của các pháp thiện không nên tránh né. Thế nhưng tại sao vài trăm năm sau Bụt Kim Cang lại dạy ông Tu-bồ-đề trái ngược hoàn toàn với kinh luật gốc: bắt vô phân biệt tất cả ‘ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả’”?
Tôi trả lời: “Cái này gọi là ‘pháp mới nới cũ’, pháp sau cao hơn pháp trước, chứ có gì lạ đâu?”
Ổng hỏi tiếp: “Như vậy là ngài còn phân biệt một đống: pháp mới - pháp cũ, pháp trước - pháp sau, Nguyên Thủy - Phát Triển, Đại Thừa - Tiểu Thừa. Vô phân biệt ở chỗ nào?”
Thú thực, tôi chới với choáng váng như đứng giữa hai dòng nước, không biết dòng nào Nhập Lưu, dòng nào nhập A-tỳ; cuối cùng đành phải bắt chước ngài Di Lặc nhe răng cười to ha hả, thế là xong chuyện.
Không cười trừ sao được? Chính ngài Huệ Năng nhờ biết trụ tâm tin tưởng vào kinh Kim Cang nên dù mù chữ vẫn được hoát nhiên ngộ đạo. Chỉ có điều, khi đã thành Tổ, ngài vẫn còn phải đối đãi phân biệt người bắc, kẻ nam: “Người tuy có bắc nam, nhưng Phật tánh không có nam bắc”.
Huệ Năng là Tổ “vô phân biệt” mà còn thấy “người” và “Phật tánh” khác nhau, còn chưa thấy “hết thảy các pháp là vô phân biệt, rằng pháp giới vốn là vô sai biệt”, còn chưa biết “không phân biệt pháp theo bất cứ loại tướng nào”, huống hồ là tôi? Nhưng thôi, chuyện mâu thuẫn tính sau, cứ chấp nhất nhau như thế, e rằng chỉ “đục nước béo cò”. 
Tôi không vu oan cho những kẻ “ngư ông đắc lợi”, vì thực tế đã có không ít người than rằng tụng kinh Kim Cang bị “nóng”, gặp toàn chuyện xui xẻo. Kẻ khác nghe vậy xía vô nói nó là kinh ngụy tạo của các tổ sư Bà-la-môn gián điệp đưa vào để phá hoại đạo Phật, tụng tà kinh bị nóng là đáng đời.
Những kẻ lắm miệng ấy đã không hiểu rằng người ta có bị thiêu đốt mới gọi là “kim cang”, có gặp nhiều tai họa mới biết ai gan lì, ai chí nguyện. Thép được rèn trong lò lửa cũng chẳng khác gì người phải chịu cảnh đọa đày khốn nạn.
Kinh cao siêu như thế mà họ còn chê bai bài xích, những kẻ này phải làm tiểu nhân mãi, chứ làm sao thành đại nhân cho được? Đúng là những cái “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”!
Thực tình mà nói, khi các tổ sư gốc Bà-la-môn hết lòng xiển dương các Kinh-Luật-Luận mới trái ngược với Pháp Luật cũ, cái này phải gọi là một cuộc “cách mạng” (rê-va-lú-sân) trong Phật giáo chứ không phải tầm thường. Nhờ có các ngài tổ sư gốc Bà-la-môn giới thiệu giáo lý “vô phân biệt” mà ta mới biết phân biệt rõ kinh văn mới cao siêu vĩ đại, còn kinh điển cũ chỉ là thứ tầm thường kém cỏi.
Cho nên công ơn của các ngài tổ sư gốc Bà-la-môn là to lớn lắm, không dễ gì được đâu. Các Phật tử liệu mà ca ngợi, thờ lạy các ngài cho xứng đáng, kẻo lại mang tiếng là lũ phản bội, phường bất hiếu, bọn vô ơn bạc nghĩa với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì nguy! 
Một điều cao siêu khác cũng cần phải nêu rõ để mọi người biết: đó là tuy nói vô phân biệt nhưng ai đó đã thật khéo léo phân chia tăng đoàn Đại Thừa với rất nhiều đạo danh khác nhau như Hòa Thượng, Tăng Thống, Pháp Chủ, Lạt Ma, Tổ Sư, Thiền Sư, Đàn Chủ... Các vị Bồ-tát tại thế nhờ biết phân biệt đạo vị khác nhau, cho nên các ngài mới cố gắng ganh đua nhau để được thăng quan tiến chức không thua gì người đời. Đại Thừa pháp bất ly thế gian pháp là như vậy!
Thế nhưng xét theo tinh thần vô phân biệt, ba cái đạo vị ấy thực ra cũng chỉ là danh xưng chứ có khác gì nhau. Ví như mấy củ cà-rốt tuy có lớn có nhỏ, nhưng cà-rốt vẫn là cà-rốt, dùng để dụ mấy con lừa dù sao vẫn tốt hơn là cà chua.
Tôi ví dụ như thế thôi chứ không có ý gì khác, vì đã tuân theo tinh thần “Đại lâu các trang nghiêm” và tinh thần Kim Cang không phân biệt “ta, người, chúng sanh, thọ giả”, thì ở đây giữa lừa và người còn phân biệt phân vân gì nữa. Tôi nói không phải khoe, bản thân tôi còn nhiều chức danh, chức vị khác nữa trong giáo hội, nhưng vì bản tính khiêm nhường nên chỉ tự giới thiệu khi có họp hành bầu cử, nhằm giúp người khác biết chọn lựa đúng nhân tài mà thôi. Xưng tụng mình làm gì cho thêm phiền? Tinh thần “vô chứng diệc vô đắc” là như thế.
Nói tóm lại, Tăng Bảo có phát triển theo xu hướng mới, dám từ bỏ truyền thống cũ, mới xứng đáng là phương tiện thiện xảo của các Tổ. Tinh thần Vô phân biệt rốt ráo như vậy là thiết thực hiện tại, là diệt được mọi khổ đau rồi, đúng không?
{
] TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG trả lời: Vấn đề này cần phải nói cho rõ. Bởi, nếu không biết phân biệt thực-hư, chánh-tà, để kẻ khác lập lờ đánh lận con đen thì nguy hiểm vô cùng.
Xin đừng ngây thơ nghĩ rằng một kẻ nào đó nói được vài từ của Phật thì tất cả lời của họ đều là Phật pháp. Trái lại một con dao sắc bén sẽ trở nên nguy hiểm hơn, hại được nhiều người nhẹ dạ hơn, khi nó được bao bọc bằng một tấm vải lụa mềm xinh đẹp để người ta không còn cảnh giác. Một lưỡi câu đắc dụng bắt được nhiều cá hơn khi nó ẩn kín trong những miếng mồi hấp dẫn.
Cũng vậy, những kẻ nằm vùng gián điệp sẽ phải ngụy trang cho mình và vũ khí của mình một cách kín đáo khéo léo, càng giống với đối phương càng tốt, có như thế họ mới dễ dàng tàn phá thành trì của kẻ khác.
Người Phật tử muốn nhận diện rõ sự ngụy trá với mục đích phá ngầm Đạo Phật của các luận sư gốc Bà-la-môn và không bị đánh lừa bởi các thông tin giả; trước hết họ phải giới hạnh cho thanh tịnh để trí tuệ sáng suốt, đồng thời phải biết dựa trên những nguyên tắc căn bản khách quan khoa học trong việc phân cấp thứ tự các kinh văn mới mong không lầm đường lạc lối. Trên cơ sở giới hạnh và phân cấp khách quan khoa học đó, phải nghiên cứu kỹ lưỡng các Kinh và Luật Nguyên Thủy Pāli cấp 1 trước, rồi mới tham khảo đến các tài liệu văn học xuất hiện sau này.
Trong Kinh điển gốc Pāli cấp 1, Đức Thế Tôn dạy các Phật tử Thanh Văn “Tiểu Thừa” không nên phân biệt những điều không đáng phân biệtNgười con Phật không nên phân biệt chỉ vì sự khác biệt về màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, giai cấp… vì “tất cả các giọt máu đều đỏ”.
Cũng không nên phân biệt chỉ vì giầu nghèo, sang hèn, xuất xứ gia đình, truyền thống văn hoá xã hội… vì “tất cả các giọt nước mắt đều có một vị mặn” - mọi người đều bình đẳng trước đau khổ.
Hơn nữa, Ngài cũng luôn căn dặn các Tỳ-kheo dù xuất gia từ bất cứ thành phần nào hoặc giai cấp nào cũng không nên phân chia, kỳ thị, khinh chê lẫn nhau, mà phải đoàn kết tương kính hòa thuận nhau như “nước hòa với sữa”. Không những thế, những tu sĩ cố chấp phân biệt, hơn thua lẫn nhau, không tôn trọng đúng lời Phật, không theo đúng Pháp của Phật dẫn đến phá hòa hợp Tăng còn phải đọa vào địa ngục Vô gián.
Thế nhưng bên cạnh đó, trong suốt kinh tạng Pāli Nguyên Thủy, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni cũng luôn luôn phân định rõ ràng và dạy các đệ tử hàng Thanh Văn Nhị thừa phải biết phân biệt những điều đáng phân biệt. Đó là phải biết phân biệt rõ thiện và ác, chánh và tà, lợi và hại, trí và ngu, đạo đức và vô đạo đức, thánh nhân và ác nhân, con người và thú vật v.v..
Phải phân biệt rõ Tám Chánh Đạo và Tám tà đạo, vì Tám Chánh Đạo là con đường an lạc thánh thiện giải thoát khỏi khổ đau; ngược lại tám tà đạo là con đường nguy hiểm dẫn đưa xuống cõi dữ, đọa xứ, địa ngục. Ngược với Chánh đạo là tà đạo, ngược với Chánh kiến là tà kiến, ngược với Chánh tư duy là tà tư duy, ngược với Chánh Định là tà định.
Trong đó phải biết phân biệt Chánh Định tức Bốn Thiền - Bốn Thánh Định và tà định tức các pháp thiền định không dựa trên sự đoạn trừ tham-sân-si, năm triền cái, các kiết sử.
Chính vì thế, chỉ có duy nhất Chánh đạo, Chánh định mới giúp đưa tới Chánh trí tuệ và Chánh giải thoát. Ngược lại tà đạo, tà định chỉ đem lại tà tuệ của tưởng tri, và tà giải thoát của xúc tưởng hỷ lạc.
Phải phân biệt rõ tất cả các trạng thái của tà định để từ đó biết rằng chúng cũng chỉ là những tưởng tri, những ảo tưởng được chứng ngộ trong phạm trù của tà kiến (Xem Kinh Pháp Môn Căn Bản, số 1, Trung Bộ I).
Trong Kinh Tăng Chi của “Tiểu Thừa”, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni gọi những ai không biết phân biệt những điều đáng phân biệt là kẻ mù loà:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người mù? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắngNày các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người mù.” (Chương Ba Pháp, Phẩm Người, Bài Kinh Mù Loà, trang 229).
Cũng vậy trong kinh Tăng Chi tập 2, trang 579, một kẻ không có trí tuệ để biết phân biệt rạch ròi như thế đã bị Đức Phật xếp vào loại người “ám độn ngu si”.
Biết phân biệt các pháp rõ ràng, minh bạch chính là sức mạnh của trí tuệ, điều này đã được Đức Thế Tôn định nghĩa cụ thể: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tuệ Lực?
Những pháp nào bất thiện được xem là bất thiện; những pháp nào thiện được xem là thiện;
những pháp nào có tội được xem là có tội; những pháp nào vô tội được xem là vô tội,
những pháp nào đen được xem là đen; những pháp nào trắng được xem là trắng;
những pháp nào không nên thực hiện được xem là không nên thực hiện; những pháp nào nên thực hiện được xem là nên thực hiện;
những pháp nào không xứng đáng bậc Thánh được xem là không xứng đáng bậc Thánh; những pháp nào xứng đáng bậc Thánh được xem là xứng đáng bậc Thánh.
Những pháp ấy cần phải được khéo quán sát, khéo thẩm sát với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tuệ Lực” (Tăng Chi 4, chương 9, trang 80).
Từ không biết phân biệt đến biết phân biệt rõ ràng các pháp cũng là ranh giới phân định giữa chánh và tà, trí và ngu. Hơn nữa biết phân biệt các pháp như thật cũng là con đường tắt hướng đến an lạc, khiến minh sanh khởi, vô minh được diệt tận:
"Chư Thiện hữu, lại nữa ở đây có người không như thật biết: "Ðây là thiện", không như thật biết: "Ðây là bất thiện", không như thật biết: "Ðây là có tội", "Ðây là không tội", "đây là hạ liệt", "đây là cao thượng", "đây là đen trắng đồng đều" (là nghiệp không đen, không trắng, nghiệp đi tới đoạn nghiệp của Bát Chánh Đạo. TDTV).
Sau một thời gian, vị này được nghe Thánh pháp, như lý tác ý, chứng đắc Chánh pháp và tùy pháp. Sau khi được nghe Thánh pháp, như lý tác ý, chứng đắc Chánh pháp và tùy pháp, vị này như thật biết: "Ðây là thiện", như thật biết: "Ðây là bất thiện", như thật biết: "Ðây là có tội", "đây là không tội", "đây cần phải thuận theo", "đây cần phải né tránh", "đây là hạ liệt", "đây là cao thượng", "đây là đen trắng đồng đều”.
Nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, vô minh của vị này được trừ diệt, minh được sanh khởi. Vị này nhờ vô minh được trừ diệt và minh sanh khởi, an lạc khởi lên, và hơn cả an lạc, hoan hỷ khởi lên. Chư Thiện hữu, đó là con đường tắt thứ ba hướng đến an lạc, đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ” (Kinh Xà Ni Sa, Trường Bộ 2).
Chính vì lẽ đó, thật dễ hiểu vì sao những kẻ chống phá đạo Phật thường cố tình lãng quên tiếng rống sư tử của Đức Thế Tôn, muốn triệt tiêu trí tuệ phân biệt của chánh pháp bằng những hý luận trái ngược tà vạy. Cho nên ngay từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, trong kinh Pháp Cú, Đức Phật đã dạy cho những kẻ ngu muội không biết phân biệt đúng sai, phải trái, tốt xấu, chánh tà:
"Ngươi đâu phải pháp trụ,
Xử sự quá chuyên chế,
Bậc trí cần phân biệt
Cả hai chánh và tà!"
(PC 256)
Cũng vậy trong Tương Ưng Bộ, Phật dạy cho quỷ Dạ-xoa Alavaka - kẻ ngu si không biết phân biệt bậc Thánh và người phàm, chánh đạo và tà đạo:
“Ai tin tưởng Chánh pháp
Của bậc A-la-hán,
Pháp ấy khiến đạt được,
Niết-bàn (chơn an lạc),
Khéo học, không phóng dật,
Minh nhãn khéo phân biệt,
Nhờ hành trì như vậy,
Vị ấy được trí tuệ”
(S.i,218)
Cần phải phân biệt rõ ràng các pháp, vì một đàng chánh pháp đưa đến cõi lành, ngược lại tà pháp đẩy xuống địa ngục:  
“Cả hai pháp, phi pháp,
Kết quả không giống nhau;
Phi pháp, dẫn địa ngục,
Pháp đưa đến cõi lành” (Kệ số 303, Thera. 35)
Muốn đạt được cõi lành, không những phải có mắt và có trí tuệ để biết phân biệt cụ thể mà còn phải biết lấy chánh để thắng tà, lấy thiện để thắng ác, lấy chân thực thắng hư ngụy:
“Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy”
(PC 223)
Tóm lại “Và ai, khi Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ như vậy, (vẫn) không biết, không thấy, thì đối với người ấy, Ta xem là vô tích sự, là kẻ ngu si, phàm phu, mù lòa, không có mắt, không có biết, không có thấy (S.iii,113).
Từ những lời dạy và kết luận nêu trên, một người Phật tử có trí tuệ cần phải khẳng định một cách dứt khoát:
Không nên phân biệt những điều không đáng phân biệt và phải biết phân biệt những điều đáng phân biệt, đây là đôi-mắt-trí-tuệ khôn ngoan của một “CON NGƯỜI” với hai chữ viết hoa.
Ngược lại, không biết phân biệt những điều đáng phân biệt hoặc đi phân biệt những điều không đáng phân biệt, đó là dấu hiệu của sự phát triển một nửa - tức là mới được phần “con” chứ chưa được phần “người”.
Thật vậy, chính vì không biết phân biệt những điều đáng phân biệt mà một con gà trống mới lớn đã dám cắn cổ và đạp cả lên lưng gà mẹ. Thế nhưng, nó lại đi phân biệt điều không đáng phân biệt nên mới mổ đá cả gà anh, đuổi đe cả gà chị vì nó cho rằng chỉ có nó mới là tối thượngtrong cả bầy gà.
Chỉ có con người mới biết dạy nhau “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Con gà trống đầu đàn không biết dạy con mình phân biệt như thế, cho nên chúng mới là đàn gà. Mà đã là đàn gà thì dù chúng có to lớn, đông đảo, phát triển tới đâu chăng nữa; chúng cũng vẫn chỉ là một bầy gà không hơn, không kém.
Chính vì không còn biết phân biệt vợ, mẹ, chị gái, em gái, con gái nên đã có những kẻ dám loạn luân như một con thú. Chính vì không còn biết phân biệt thiện - ác, tốt - xấu nên đã có những kẻ diệt chủng dám giết người hàng loạt không cần phân biệt “ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”, xem mạng người chẳng khác gì con sâu cái kiến.
Một thế giới hỗn loạn tàn nhẫn vô nhân đạo vì không còn biết phân biệt như vậy đã được Đức Thế Tôn chánh biến tri trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, Trường Bộ 2:
“Này các Tỷ kheo, khi tuổi thọ loài Người chỉ có mười tuổi, không có phân biệt mẹ hay bá mẫu hay thúc mẫu, vợ con của sư trưởng, chị dâu của cha. Thế giới rơi vào thông dâm như dê, gà, heo, chó và chó rừng…
Này các Tỷ kheo, khi loài Người tuổi thọ chỉ có mười tuổi, đao trượng kiếm khởi lên trong bảy ngày, trong thời gian ấy họ xem nhau như loài thú, dao kiếm sắc bén hiện ra trong tay của họ. Với dao kiếm sắc bén ấy họ tàn hại mạng nhau, xem nhau như loài thú.”
Đương nhiên, cái thế giới hoang đàn và hung tàn ấy sẽ đến nhanh hơn với những ai chấp nhận lý thuyết “vô phân biệt” và ôm giữ nó như hành nghiệp của mình.
Bởi lẽ, với một nghiệp thức “vô phân biệt” như vậy, tất nhiên khi thân hoại mạng chung sẽ phải tái sanh vào thế giới tương ưng “vô sai biệt” của các loài “dê, gà, heo, chó và chó rừng” để được quan hệ, cấu xé, tàn hại mạng nhau “không phân biệt theo bất cứ loại tướng nào”.
Cho nên, cũng không có gì khó hiểu khi Đức Thế Tôn đã phải nhiều lần khuyến cáo “kẻ ôm tà kiến chỉ có hai sanh thú: địa ngục hoặc súc sanh” là vì vậy.
Còn ngay trong đời hiện tại, một khía cạnh nguy hiểm khác khiến các luận sư gốc Bà-la-môn ra sức xiển dương cho tà lý “vô phân biệt” đó là, khi đã một chiều chấp nhận tà kiến này cũng sẽ dễ dàng chấp nhận thứ ngôn ngữ phủ định sạch trơn của Bát Nhã Tâm Kinh.
Đã có không ít các tu sĩ thuộc loại “hài nhi tóc bạc” (già đầu nhưng vẫn còn dại) đã tự mãn với truyền thống Đại Thừa của mình khi khoe khoang rằng, ngay từ nhỏ, nhờ theo mẹ lên chùa nên đã thuộc nằm lòng bài kinh trái tim “Này người con Xá lợi… các pháp không dơ, không sạch… vô trí, vô đắc, vô Khổ-Tập-Diệt-Đạo…”.
Các “lão nhi đồng” ấy vội vã tự cao tự đại, vì ít ai trong số họ biết và hiểu được lời khuyến cáo của triết gia người Đức, Arthur Schopenhauer(1788-1860): “Mọi tín lý, bất kể là vô lý tới đâu, khi cấy vào con người từ nhỏ, chắc chắn là ở trong đó suốt đời”. Nói cho đúng hơn, mọi tín điều dù vô lý tới đâu nhưng khi cấy vào trẻ nhỏ cũng đều được dễ dàng chấp nhận, vì chúng vốn là... trẻ con.
Tuy vậy, trong thực tế, cũng có không ít người khôn ngoan nên biết từ bỏ những nhận thức dại dột của tuổi thơ để trở thành người lớn, ngược lại chỉ có các “hài nhi tóc bạc” mới muốn ôm giữ sự vô minh đến suốt cả cuộc đời.
Cho nên, mặc dù trước đó hơn hai mươi thế kỷ, trong bài kinh Kalama, Đức Phật đã căn dặn các Phật tử chớ có tin vì đó là kinh điển hay truyền thống, nhưng khốn nỗi vì cái tín lý Ba-la-mật đã được cấy vào những mái đầu bạc từ nhỏ, nên chẳng còn “vị vô tu vô chứng” nào muốn tìm hiểu, suy nghĩ những lời dạy đích thực của Bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác trong kinh văn Nguyên Thủy để cấy ghép những tín lý thực sự minh triết cho chính bản thân mình.
Vả lại, các “nhi đồng dài râu” ấy cũng không còn nhớ, cho dù là một điều không có thực nhưng được tuyên truyền, rao giảng lập đi lập lại chỉ cần đến lần thứ ba thôi, thì đến mẹ của thánh nhân cũng đã không còn tỉnh táo để biết phân biệt đúng sai, hư thực; để rồi cuối cùng cũng phải tin rằng con mình giết người. Huống hồ, ở đây cả một kiếp sống cứ thi nhau réo gọi, bắt “ba đời chư Phật phải nương theo Bát nhã Ba la mật”, thì dù quả báo địa ngục có hiện tiền trước mặt, chắc gì họ đã chịu “hồi đầu thị ngạn” để hiểu được thế nào là ngụy trá, lọc lừa.  
Trải qua hàng ngàn năm, đức tin của một số Phật tử vào Bồ-tát Quán Tự Tại cùng sự phủ nhận sạch trơn và coi thường giáo Pháp Nguyên Thủy của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, chẳng khác nào sự cả tín của nhiều triệu người suốt hàng thế kỷ tin rằng trái đất dẹt và mặt trời quay quanh trái đất. Cả hai đều đã bị “nhồi sọ” từ nhỏ, có khác chăng, một bên là sự cưỡng chế áp đặt của thần quyền, còn một bên bị phủ trùm bởi những lý luận ngụy biện trườn uốn như con lươn.
Bởi thế, khi cái tín lý “vô phân biệt” được cấy vào các trẻ con - lớn lên thành những “lão ngoan đồng” - thì nó ở yên trong đó suốt đời. Để rồi theo một kiểu khác, những “bậc vô tu vô chứng” sẽ dễ dàng tuỳ thuận theo lối lươn lẹo phủ nhận tất cả của kinh Lăng Già Đại Thừa: “Vô hữu Phật Niết Bàn. Vô hữu Niết Bàn Phật”: không có đức Phật nhập Niết Bàn, cũng không có Niết Bàn Phật chứng nhập (?)
Thậm chí đã có vị Tiến-sĩ-vô-phân-biệt hả hê nhận định trong cuốn Phật Học Khái Luận của mình rằng: hai câu “vô hữu” đó là cả một sự “phủ nhận đầy sáng tạo và lý thú” (sic).
Nếu không có Đức Phật nhập Niết-bàn thì ai là kẻ đã nói những câu “vô hữu” như vậy? Phải chăng chỉ còn có A-tu-la, Dạ-xoa hay ngạ quỷ mới muốn phủ nhận Phật và Pháp của Ngài?
Không có Niết-bàn Phật thể nhập, phải chăng chỉ còn chỗ cho những kẻ thi đua lấy bằng cấp để rồi sau đó quay lại dạy cho người khác phủ nhận cả Đức Bổn Sư và lý tưởng của chính mình?
Không có Phật nhập Niết Bàn, chẳng lẽ chỉ còn có những kẻ “thọ cơm Phật tử, xử tử Phật giáo” thôi chăng? Không có Niết-bàn Phật thể nhập, thế ra chỉ còn có nơi để các tu sĩ Phật giáo “nhận của đàn na, thờ ma phản đạo” hay sao? 
Không đúng như vậy ư? Nếu không tin, xin mời ngài Tiến sĩ Vô phân biệt đi đến và hội nhập vào các hội chúng của những kẻ ngoại đạo thù ghét đạo Phật nhất để xem họ có thừa sức và thừa lý lẽ để dạy cho ngài và các đồng đạo của họ những điều “phủ nhận sáng tạo lý thú” như thế không?
Để xem họ có biết ngụy biện như ngài về một “Niết-bàn như thật” của họ với tất cả sự “nổ lực phủ nhận sự kiện chứng Niết-bàn và phủ nhận Niết-bàn của Phật chứng là nổ lực diễn đạt về Niết-bàn như thật, và đồng thời tránh ngộ nhận do suy tư đầy ngã tưởng của người đọc có thể dấy sinh”?
Mang danh là đệ tử Phật nhưng không tu theo đúng đạo lộ Phật chỉ dạy, trái lại tin càn theo kẻ khác, tất phải lầm đường lạc lối. Mà đã lạc lối lầm đường, làm sao chứng được Niết Bàn của Phật. Không chứng được Niết Bàn của Phật, làm sao biết bảo vệ nó trước sự xuyên tạc thâm hiểm của các ngoại học. Rút cuộc chỉ còn có nước tin bừa tín bậy, hùa theo các gián điệp phủ nhận tất cả, chứ còn biết con đường nào khác để đi theo?
Biết làm sao hơn với những cái đầu mê muội này, vì chính Đức Thế Tôn khi còn tại tiền đã phải thốt lên: “-- Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường” (Kinh Ganaka Moggallāna, số 107, Trung Bộ 3).
Không chứng được Niết Bàn của Đức Phật thì chỉ còn một cách dễ nhất để giải thích nó, đó là phải quay lưng phủ nhận nó và phủ nhận cả Đức Bổn Sư. Một khi đã phủ nhận Niết Bàn và Đức Phật, thời làm sao Đức Phật còn hiện hữu nơi những kẻ này nữa. Bởi, đúng theo nhận định của Ganaka Moggallāna:
“-- Thưa Tôn giả Gotama, đối với những người không phải vì lòng tin, chỉ vì sinh kế, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, những người xảo trá, lường gạt, hư ngụy, mất thăng bằng, cao mạn, dao động, nói phô tạp nhạp, không hộ trì các căn, ăn uống không tiết độ, không chú tâm cảnh giác, thờ ơ với Sa-môn hạnh, không tôn kính học tập, sống quá đầy đủ, uể oải, đi đầu trong thối thất, từ bỏ gánh nặng viễn ly, biếng nhác, tinh cần thấp kém, thất niệm, không tỉnh giác, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, câm ngọng; Tôn giả Gotama không thể sống với những người như vậy” (Sđd).
Những Phật tử nào tinh ý hãy chú tâm quan sát những kẻ theo đuôi các luận sư gốc Bà-la-môn rêu rao “vô hữu Phật Niết Bàn, vô hữu Niết Bàn Phật” sẽ thấy họ đúng y như vậy!
Các tín đồ vô phân biệt tin theo tà kinh, tà pháp, tà nhân để rồi phủ nhận Niết Bàn Nguyên Thủy của Đức Thế Tôn là đã tự hủy hoại chính mình và trở thành những đứa con hoang từ bỏ ngôi nhà của Phật! Vì sao?
Vì cho dù có một “Niết-bàn-thứ-hai-như-thật” của các luận sư vô phân biệt, được xác lập từ sự nỗ lực phủ nhận Niết-Bàn của Đức Phật trong kinh Nikāya, chắc chắn nó phải còn tham, còn sân, còn si, còn phiền não lậu hoặc. Bởi lẽ, nó đã trái nghĩa và phủ nhận hoàn toàn sự chứng đắc Niết-bàn Nguyên Thủy của chính Đức Thế Tôn trong kinh Tương Ưng tập 5, trang 18: Ðồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc”.
Chỉ cần nhìn vào cuộc sống thực tế của các tu sĩ cổ xúy cho cái “Niết-bàn thứ hai như thật” cũng đã thấy rõ: có ai trong số họ còn giữ được giới luật căn bản của Bát quan trai, dám ăn ngày một bữa như các vị Thánh đệ tử Phật? Và như vậy, liệu có thể tin tưởng cái “Niết-bàn như thật” xuất phát từ cửa miệng của những cái bao tử còn bị khuất phục trước năm dục trưởng dưỡng,
“Này các Tỷ-kheo, khi đoàn thực được hiểu biết, thời lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết. Khi lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết, thời không còn kiết sử, do kiết sử này, một vị Thánh đệ tử bị trói buộc để phải sanh lại đời này” (TƯ 2, tr. 175).
Không hiểu biết ý nghĩa của đoàn thực thì lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng còn tồn tại. Còn bị chi phối bởi năm dục trưởng dưỡng, thời làm sao có đủ trí tuệ và tư cách để nhận định về Niết-bàn của Phật, chứ đừng nói gì đến phủ nhận Niết-bàn ấy bằng một “Niết-bàn thứ hai” ngụy trá của những kẻ phá hoại ngầm đạo Phật.
Dĩ nhiên khi không thể che dấu sự bất lực trước năm dục trưởng dưỡng, các luận sư vô phân biệt và những ai tin họ chỉ còn cách tốt nhất là phải tích cực ngụy biện gian trá để xóa sổ cả Đức Phật và Niết-bàn vô tham, vô sân, vô si của Ngài bằng chiêu bài “Vô hữu Phật Niết-bàn. Vô hữu Niết-bàn Phật”.
Và cũng tất nhiên, nếu họ vỗ ngực xưng tên tự nhận mình là những kẻ ngoại học thâm thù Đạo Phật thì chẳng một Phật tử nào nghe họ. Thế nhưng, họ chỉ cần ngụy trá phù phép giả dạng trong tấm áo “Như Lai sứ giả” và ngụy biện lươn lẹo vài câu là tức khắc có ngay một đám những kẻ ngây thơ tin theo. Chính vì lẽ đó, Đức Thế Tôn đã phải khuyến cáo:
“Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận, và người có lòng tin với tà kiến. Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai” (Tăng Chi 1, chương 2, phẩm Người Ngu). 
“Những kẻ độc ác đầy sân hận” chính là các tổ sư gốc Bà-la-môn trung thành với truyền thống thù ghét Đạo Phật, chính vì thế họ sẵn sàng đóng vai gián điệp để tiêu diệt Phật giáo ngay từ bên trong. Cho nên những người con Phật dù có lòng tin nơi Đức Phật, nhưng vì ngây thơ tin họ nên mang lấy tà kiến do họ truyền trao.
Những “Phật tử lai Bà-la-môn” này càng tích cực tuyên truyền tà pháp giả danh Phật pháp bao nhiêu, họ càng xuyên tạc Đức Phật bấy nhiêu. Càng xuyên tạc Đức Phật bao nhiêu, càng đọa sâu địa ngục bấy nhiêu. Bởi thế tin Phật Thích Ca nhưng phải có trí tuệ phán xét suy tư thận trọng để biết tin đúng, không lầm lạc là vì vậy.
“Những kẻ độc ác đầy sân hận” không những muốn phủ nhận Phật Bảo, Pháp Bảo mà còn muốn xóa sổ cả Tăng Bảo bằng nhiều thủ đoạn thâm độc. Trong tinh thần kinh điển Nguyên Thủy Pāli, nếu có chăng sự phân biệt trong Tăng chúng, thì chỉ có sự phân định giữa một Tỳ-kheo có giới hạnh hay không có giới hạnh, có thiền định hay không có thiền định, có giải thoát hay không có giải thoát. Điều này cũng có nghĩa vị Tỳ-kheo có theo đúng chánh đạo hay không, có theo đúng chánh pháp hay không.
Mặc dù vậy, đứng về mặt giới luật và tổ chức Tăng đoàn, một vị Tỳ-kheo có thâm niên vẫn là vị trưởng lão cần được dành chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất. Trong Tạng Luật, phần Tiểu Phẩm, chương Sàng tọa có câu:
“[263] Những người rành rẽ Pháp,
tôn kính bậc cao niên
kiếp này được khen ngợi
kiếp sau sanh về trời”.
Chính vì thế, ngay sau đó Đức Thế Tôn đã quy định rõ:
- Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép việc đảnh lễ, việc đứng dậy chào, hành động chắp tay, hành động thích hợp, chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất tính theo thâm niên. Này các Tỳ-khưu, việc liên quan đến hội chúng được tính theo thâm niên là điều không được xâm phạm; vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).”
Chính vì lấy Pháp và Luật làm trọng cho nên cũng không thể đơn thuần lấy chiều dài năm tháng để đánh giá một tu sĩ Phật giáo đáng tán thán hay không. Điều này đã được Đức Thế Tôn xác định trong Kinh Tăng Chi tập 3, Phẩm Chư Thiên, trang 329: “Này Sārīputta, trong Pháp, và Luật này, không có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm”
Trong bài kinh trên Đức Phật đã nói rõ bảy sự thù diệu để căn cứ vào đó xác định phẩm hạnh của người đệ tử Phật, đương nhiên trong đó không hề có sự phân định theo đạo danh, đạo vị, đạo niên. Tuy nhiên thời gian cùng với sự thành tựu đạo hạnh thanh tịnh vẫn là những chuẩn mực để tán thán:
“Thành tựu bảy thù diệu sự này, này Sārīputta, Tỷ-kheo, nếu trong mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!".
Nếu trong hai mươi bốn năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!"
Nếu trong ba mươi sáu năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!".
Nếu trong bốn mươi tám năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!" (Sđd)
Như vậy xét riêng về giới hạnh và tuổi hạ sẽ có bốn loại Tỳ-kheo như sau:
giới hạnh kém, tuổi hạ kém;
giới hạnh kém, tuổi hạ cao;
giới hạnh cao, tuổi hạ kém và
giới hạnh cao, tuổi hạ cũng cao.
Rõ ràng trong bốn hạng Tỳ-kheo này, vị trưởng lão lâu năm lại có giới hạnh đầy đủ là vị đáng kính trọng nhất. Tuy nhiên một Tỳ-kheo còn trẻ nhưng đạo hạnh vẹn toàn cũng rất đáng quý trọng.  
Ngược lại, nơi nào một Hòa Thượng phạm giới trọng Ba-la-di bị nhiều người biết đến, nhưng đã không bị xét xử lại còn được ngồi vào ghế thượng thủ danh dự chỉ vì vị ấy có tuổi hạ cao nhất, đây chính là biểu hiện của sự suy đồi nơi hội chúng đó, và tạo một tiền lệ vô cùng tai hại cho các Tỳ-kheo trẻ. Chính vì vậy một hội chúng có trí tuệ phải biết trân trọng các thành tựu về giới hạnh, đạo đức của người tu sĩ cùng với tuổi hạ và đạo vị của họ.
Bên cạnh giới hạnh và tuổi hạ thì việc biết đúng Chánh Pháp lại cực kỳ quan trọng. Trong tạng Luật Patimokkha, Tiểu Phẩm, Chương Sàng Tọa, ngay sau đoạn [263] nêu trên, có quy định rõ mười hạng không nên đảnh lễ và ba hạng nên được đảnh lễ. Trong đó yếu tố nói đúng Pháp hay sai Pháp là một trong những căn cứ quan trọng để đảnh lễ hay không, ngay cho dù vị Tỳ-kheo nơi khác có tuổi hạ cao hơn.
“[264] Này các Tỳ-khưu, đây là mười hạng không nên được đảnh lễ:
1. Vị tu lên bực trên sau không nên được đảnh lễ bởi vị tu lên bậc trên trước,
2. vị chưa tu lên bậc trên không nên được đảnh lễ,
3. vị thâm niên hơn thuộc nhóm cộng trú khác nói sai Pháp không nên được đảnh lễ,
4. phụ nữ không nên được đảnh lễ,
5. người vô căn không nên được đảnh lễ,
6. vị thực hành hành phạt parivāsa không nên được đảnh lễ,
7. vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu không nên được đảnh lễ,
8. vị xứng đáng hành phạt mānatta không nên được đảnh lễ,
9. vị thực hành hành phạt mānatta không nên được đảnh lễ,
10. vị xứng đáng sự giải tội không nên được đảnh lễ.
Này các Tỳ-khưu, đây là mười hạng không nên được đảnh lễ.
Này các Tỳ-khưu, đây là ba hạng nên được đảnh lễ:
1. Vị tu lên bực trên trước nên được đảnh lễ bởi vị tu lên bậc trên sau,
2. Vị thâm niên hơn thuộc nhóm cộng trú khác nói đúng Pháp nên được đảnh lễ,
3. Này các Tỳ-khưu, trong thế gian gồm có chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác nên được đảnh lễ bởi các chúng sanh gồm có sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, và nhân loại.
Này các Tỳ-khưu, đây là ba trường hợp nên được đảnh lễ”.
Một ông quan tà hạnh, tà đạo làm quan càng lâu bao nhiêu, càng gây hại nhiều bấy nhiêu, tội ác càng nhiều bấy nhiêu. Cũng vậy một trưởng lão tà hạnh, tà kiến, Chánh Pháp không nói lại nói pháp ma pháp quỷ, tuổi hạ càng cao, càng gây hại nhiều người, càng tổn phước bấy nhiêu. Pháp quan trọng hơn tuổi hạ là vì vậy.
Lưu ý thêm, trong đoạn Luật nêu trên vị “tu lên bậc trên” không đơn thuần là tu theo tuổi hạ, mà là vị tu và giữ được giới hạnh thanh tịnh, còn vị phá giới phá hạnh là vị “tu xuống bậc dưới” đọa xứ địa ngục, chứ không phải “tu lên bậc trên” nên không nhắc đến ở đây. Đây là những điều đáng phải phân biệt rõ ràng và thực thi nghiêm chỉnh.
Bên cạnh luật đảnh lễ cần phân biệt, trước lúc nhập Niết Bàn, Đức Phật đã di giáo cụ thể về việc xưng hô: “Này Ananda, nay các vị Tỷ-kheo xưng hô với nhau là Hiền giả. Sau khi Ta diệt độ, chớ có xưng hô như vậy. Này Ananda, vị Tỷ-kheo niên lão hãy gọi vị Tỷ-kheo niên thiếu, hoặc bằng tên, hoặc bằng họ, hoặc bằng tiếng Hiền giả. Vị Tỷ-kheo niên thiếu, hãy gọi vị Tỷ-kheo niên lão là Thượng Tọa (Bhante) hay Ðại Đức.” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ 1).
Bậc Đạo Sư đã di giáo rõ ràng như thế, nhưng các tổ sư gốc Bà-la-môn cổ xúy cho phong trào Đại Thừa nhằm tiêu diệt Chánh Phật Pháp lại muốn làm ngược lại. Họ đã cố tình nặn thêm cái đạo vị Hòa Thượng và đặt lên trên Thượng Tọa và Đại Đức để hơn thua cả với Đức Thế Tôn về chuyện xưng hô trong tăng đoàn.
Nực cười thay, vì cố công tranh hơn như vậy nên vô hình chung họ lại rơi vào sự lố bịch thảm hại: một mặt rêu rao cho lý thuyết “vô phân biệt”, mặt khác lại đi phân biệt những điều không đáng phân biệt với những đạo danh, đạo vị, đạo niên...
Đã thế, con cháu của các Bà-la-môn Đại Thừa còn đua nhau chạy theo dòng họ “Thích” để rồi vô tình rơi vào bẫy của các luận sư gián điệp. Pháp danh của họ qua bao đời đã trở thành những tục danh cho người đời sau tha hồ châm biếm.
Trong khi bậc Đạo sư Cồ Đàm (Gotama) thuộc dòng họ Xa-ki-da (Sākya) không dính dáng một chút gì đến chữ “thích”, không những thế cả đời Ngài còn kêu gọi ly tham, diệt ái, bỏ ham mê; nhưng trái lại con cháu Bà-la-môn Đại Thiên lại hè nhau đổi thành dòng họ “Thích” để rồi bị gán cho các biệt danh: Thích Đủ Thứ, Thích Thịt Chó, Thích Làm Quan, Thích Danh Lợi, Thích Đô La, Thích Tà Vạy, Thích Nguỵ Tạo v.v.. và v.v..
Những ai còn hồ nghi về điều này, chỉ cần tỉnh giác đọc các kinh A Hàm sẽ biết, từ đây họ có thể nhặt ra biết bao những kiểu chơi chữ ma mãnh, quỷ quái ngấm ngầm y như vậy.
Thế nhưng những kẻ ác tâm muốn phá hoại Tăng Bảo không chỉ đơn thuần muốn hơn thua với Đức Phật và xỏ mũi các đệ tử của Ngài không thôi, mà họ còn có nhiều thâm ý khác nữa. Thật vậy, những ai ngây thơ nghĩ rằng chỉ với một cái tên “Thích” nào đó đủ chứng tỏ là một đệ tử Phật, lúc ấy họ sẽ dễ dàng bị những kẻ mạo danh đánh lừa, dụ dỗ.
Các luận sư Bà-la-môn đã dùng danh từ Bồ-tát như một nhãn mác “thông hành cao cấp” xâm nhập vào đạo Phật, hẳn họ cũng phải biết tạo ra các loại “thông hành thứ cấp” cho những kẻ gian xảo lợi dụng nó phá hoại đạo Phật. Các tổ sư Bà-la-môn cố tâm tạo ra thêm dòng họ “Thích” trong Đại Thừa giáo không ngoài thâm ý này.
Hơn thế nữa, trong bài kinh Bhaddāli (Số 65, Trung Bộ 2), Đức Thế Tôn đã khuyến cáo rõ rằng chỉ khi nào Tăng chúng có những quyền lợi tối thượng, danh xưng tối thượng, đa văn, địa vị kỳ cựu thời sẽ xuất hiện các pháp hữu lậu và lúc ấy Ngài phải ban hành giới luật:
Này Bhaddāli, ở đây, khi nào Tăng chúng chưa đạt được quyền lợi tối thượng... chưa đạt được danh xưng tối thượng... chưa đạt được đa văn... chưa đạt được địa vị kỳ cựu, khi ấy một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong Tăng chúng. Và này Bhaddāli, ở đây, chỉ khi nào Tăng chúng đã đạt được địa vị kỳ cựu, thời ở đây một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Ðạo Sư mới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy”.
Chính vì thế, khi các tổ sư gốc Bà-la-môn cố tình dựng lên điều lố bịch phân biệt Tăng đoàn với các quyền lợi tối cao, danh xưng tối thượng cùng các địa vị kỳ cựu như Tăng Thống, Hòa Thượng, Phương Trượng, Trụ Trì, Giáo Chủ, Tổ Sư, Đại Sư…; thực chất là họ muốn làm tăng trưởng mạnh mẽ các pháp hữu lậu trong Tăng đoàn.
Thực vậy, một “Đại Đức” tham danh tham vị sẽ dễ dàng rơi ngay vào cuộc đua chen phẩm vị, phải cố sức ngoi lên chức “Thượng Tọa” để được ăn trên ngồi trước. Còn vị “Thượng Tọa” ham chức ham quyền cũng chỉ rắp tâm cố gắng bò lên làm “Hòa Thượng” để được nhiều cung kính, lợi đắc.
Và vị “Hòa Thượng” thì lại mong gắn thêm cái bằng cấp, học vị cử nhân, tấn sĩ, pháp sư, thiền sư kèm với những “mũ áo cân đai” bề thế để được đăng quang lên ngôi “Tăng Thống”, “Tổ Sư”, “Bồ-tát”, “Phật sống” v.v... (Và đương nhiên tất cả đều luôn ca ngợi và lý luận rất hay cho cái gọi là “đại trí vô phân biệt”) 
Một khi các tu sĩ Phật giáo mải mê cuốn theo cuộc chạy đua phân biệt ngôi thứ, đạo danh, đạo vị bằng nhiều hình thức; đương nhiên họ sẽ bỏ lại sau lưng hoặc chỉ khoa trương trên cửa miệng ba căn bản pháp Giới - Định - Tuệ giúp họ giải thoát và xương minh đúng Chánh Pháp.
Chỉ một thời gian ngắn sau, các tu sĩ sẽ đồng một thể tánh chân thật, không còn sai biệt nhau theo kiểu: “Nhất niên Phật tại tiền. Nhị niên Phật thăng thiên. Tam niên bất kiến Phật”. Rõ ràng đó cũng chính là ước mơ của những gián-điệp-vô-phân-biệt khát khao phá hoại Đạo Phật.
May mắn thay, những mơ ước phi pháp ấy đã không thể thực hiện hoàn toàn. Mặc dù những tu sĩ gián điệp gốc ngoại học đã tốn bao công sức giấy mực để cổ xuý xiển dương cho những tà thuyết của mình, thế nhưng những tên biệt kích “vô phân biệt” đã không thể lộng hành như chúng mong muốn.
Bởi lẽ, tinh thần Nguyên Thủy phân biệt Nhị thừa vẫn còn nơi mỗi người Phật tử khi mọi người còn nhớ: “Chớ làm các việc ác, cố gắng làm các điều lành, giữ tâm ý thanh tịnh, đó là lời Phật dạy” (PC 183); đồng thời tinh thần năm giới vẫn còn nguyên vẹn sức sống mạnh mẽ nơi họ.
Nếu mọi người không phân biệt rõ ràng như vậy, hẳn Đại Thừa giáo đã có cả những kẻ sát nhân diệt chủng với bàn tay đẫm máu, nhân danh trí tuệ “vô phân biệt” và trái tim “kim cang” cùng với một lý tưởng “phủ nhận lý thú”, đứng giữa “Đại lâu các trang nghiêm” lớn tiếng dạy cho các thủ hạ như sau:
“Này các sát thủ, các ngươi đừng nói Ta đây nghĩ rằng Ta giết chết bao nhiêu chúng sanh; các sát thủ, đừng nghĩ như vậy, vì thật không có một chúng sinh nào bị ta giết chết. Nếu có chúng sinh bị Ta giết chết, thì thế chính là Ta đã có ý tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả” (?!)
May mắn thay, đúng như Đức Phật đã dạy trong bài kinh Nguyên Thủy Đại Không: “Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ đứng vững tồn tại”. Chính nhờ sự vững vàng của lõi cây Chánh pháp, nên các luận sư gốc Bà-la-môn dù đã cố tâm nguỵ tạo hàng ngàn hàng vạn trang kinh - luật - luận tà vạy, thế nhưng họ vẫn không thể sản sinh ra được những quái thai như ý.
Chỉ cần Đại Thừa giáo có một quái nhân thực hiện rốt ráo tinh thần “Hoa nghiêm - Kim cang” như trên thôi, thì ngay cả với những ai đã tán dương cho cái “trí tệ” vô phân biệt, thời đến hàm răng của họ cũng chẳng còn, chứ đừng nói gì còn miệng lưỡi để khua môi múa mép về những điều “ám độn ngu si”.
Hỡi những linh hồn còn ngu si ám độn vì phá giới bẻ luật, hãy mở tâm, mở mắt, mở trí ghi nhớ lời răn dạy sau đây của Đức Thế Tôn để phân biệt rõ trắng đen, thắng liệt nhằm tránh gây tai họa cho mình, cho mọi người, và gây tội ác tày trời làm hủy diệt Chánh pháp:
“Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều vô phước làm cho Diệu pháp biến mất. 
Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều phước đức, làm cho Diệu pháp an trú (Tăng Chi tập 1, trang 132).
Thật vậy, bạch Đức Thế Tôn, cho con cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn để được nói lên thiển ý của mình nhằm nhắc nhở những ai còn có duyên may nơi Chánh Phật Pháp:
“Này các Hiền Nhân, những Tu sĩ nào chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển ngụy tạo từ các Bà-la-môn kết tập, như các kinh Hoa Nghiêm, Kim Cang, Lăng Già, Lăng Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa, A Di Đà, Chú Đại Bi v.v.. cùng những văn tự thích ứng kiểu giáo lý ‘vô phân biệt’thì những Tu sĩ ấy, này các Hiền Nhân, họ phải chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tu sĩ ấy, này các Hiền Nhân, chất chứa nhiều vô phước làm cho Diệu pháp biến mất. 
Này các Hiền Nhân, những Tu sĩ nào tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển Nikāya chính thống và những văn tự thích ứng như tạng Luật Pātimokkha, thì những Tu sĩ ấy, này các Hiền Nhân, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tu sĩ ấy, này các Hiền Nhân, chất chứa nhiều phước đức, làm cho Diệu pháp an trú.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.